KTĐT - Theo Tổng thư ký Hội Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh Đinh Công Bảy, tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 3.000-5.000 tấn/năm.
Với nhiều loài dược liệu phong phú, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn dược liệu.
Việt Nam hiện có 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, quế, atisô, sâm Ngọc Linh....
Theo Tổng thư ký Hội Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh Đinh Công Bảy, tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính đạt khoảng 3.000-5.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, ông Bảy cũng cho rằng việc trồng dược liệu hiện nay ở Việt Nam còn thiếu quy hoạch tập trung, thiếu sự hỗ trợ từ các ngành có liên quan nên thị trường dược liệu không ổn định, cây dược liệu vì thế cũng không phát triển dù nông dân vẫn muốn chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng để phát triển kinh tế.
Cho đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào đảm trách khâu kỹ thuật sản xuất dược liệu dẫn đến tình trạng các loại cây dược liệu trong nước không đảm bảo chất lượng, năng suất và giá cả để cạnh tranh với dược liệu nhập khẩu.
Do đó, trong khi thường xuyên xuất khẩu gần 100 loại dược liệu, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dược liệu chủ yếu từ Trung Quốc.
Theo ông Bảy, để phát triển tiềm năng dược liệu sẵn có hiện nay cần khai thác trên cơ sở bảo tồn, nuôi trồng và phát triển bền vững, quy hoạch vùng trồng, nghiên cứu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, bào chế..., xây dựng danh mục sản phẩm dược liệu chủ lực, dược liệu quý để tập trung đầu tư, phát triển./.