Sáng nay (12/11), Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận cho 52 Giáo sư (GS) và 470 Phó Giáo sư (PGS) năm 2015.
GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho biết, tỷ lệ giảng viên trong tổng số 522 GS, PGS tăng cao hơn so với năm 2014 và những năm trước. Số giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ 82,38%, giảng viên thỉnh giảng và giảng viên thỉnh giảng làm quản lý chiếm 21,83%. Về tỷ lệ phân bố, GS, PGS mới của Hà Nội tiếp tục giảm dần, TP.HCM và các tỉnh thành tiếp tục tăng dần theo hướng hợp lý.
Năm nay, tuổi trung bình của GS, PGS là 47,64% (năm 2014 là 49), có 5 PGS là người dân tộc ít người (1 dân tộc Hà Nhì và 4 dân tộc Tày). GS trẻ tuổi nhất là Nguyễn Văn Hiếu, 43 tuổi, ngành Vật lý là Phó Viện trưởng ITIMS, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, trong đó có 85 công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI. GS cao tuổi nhất là Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS trẻ nhất là Hồ Khắc Hiếu, 31 tuổi, ngành Vật lý, Trường ĐH dân lập Duy Tân. Đặc biệt, cho đến nay sau 35 năm Việt Nam mới có thêm nữ GS Toán học thứ 2 là Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Thái Nguyên, 45 tuổi.
Điều đặc biệt thứ hai, năm nay một cặp vợ chồng, cùng ngành sinh học, cùng giảng dạy ở ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội được công nhận là PGS là: PGS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977), PGS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976).
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh vui mừng khi số GS, PGS được công nhận tiêu chuẩn ngày càng trẻ hóa, năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ được nâng lên. Ngày càng có nhiều GS, PGS là tác giả các công trình khoa học giá trị được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới cũng như được ứng dụng hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong số các GS, PGS được công nhận năm nay, có trên 95% là giảng viên các trường ĐH hoặc làm việc tại các viện nghiên cứu. Tiêu chuẩn và quy trình xét chọn GS, PGS từng bước được đổi mới, hướng tới hội nhập quốc tế. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đây là những tiến bộ tích cực, đúng hướng, là sự nỗ lực đổi mới của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, được công nhận GS, PGS là vinh dự lớn với mỗi người nhưng cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trước thế hệ trẻ của đất nước. Vì thế, mỗi người phải phấn đấu bằng tất cả nỗ lực và tâm huyết, nghị lực, trí tuệ, quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, cùng cả nước đưa sự nghiệp đổi mới GD&ĐT, Khoa học - Công nghệ đến những thành công mới...
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đề xuất Bộ GD&ĐT và Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, phương thức đánh giá xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thiết thực, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao Giấy chứng nhận cho các Giáo sư, Phó Giáo sư.
|