Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi Tọa đàm Đầu tư ICT Vietnam 2020 với chủ đề “Why Việt Nam”. Một sự kiện bên lề tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế ITU Virtual Digital World 2021.

Việt Nam lớn hay nhỏ?
Tại buổi Tọa đàm, trước câu hỏi “Nhìn từ góc độ phát triển ngành CNTT, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ của thế giới?”, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, điều này có thể thấy rõ qua các số liệu cụ thể.
Trên thực tế, trong những năm vượt qua, Việt Nam đã có sự vươn lên rất mạnh mẽ về CNTT so với chính những cường quốc trên thế giới trong lĩnh vực này. Tiêu biểu là Việt Nam đang thuộc Top 10 về tốc độ phát triển CNTT - viễn thông trên thế giới. Với lĩnh vực xuất khẩu điện thoại đang xếp trong Top 5. Hay sản xuất phần mềm cũng đứng thứ 9 trên thế giới.
Trong thời gian gần đây, lĩnh vực game của Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. Tiêu biểu là tựa game Axie Infinity dựa trên nền tảng blockchain đang là hiện tượng được quốc tế đánh giá cao khi được định giá xấp xỉ 3 tỷ USD.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Như vậy có thể đánh giá, Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT và chúng ta cũng đang có những chiến lược cùng chương trình đầy tham vọng để tiếp tục vươn lên hơn nữa để trở thành một trong những cường quốc về CNTT. Qua đó, có thể làm chủ và sản xuất các sản phẩm công nghệ “Made in Viet Nam” để đưa ra thế giới, ông Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ.
Từng kinh qua vị trí lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của cả quốc tế và Việt Nam, đại diện Tiktok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế. Có thể kể đến như người Việt không những trẻ mà còn rất chịu khó, chăm chỉ cũng như năng lực cao.
Nhìn lại trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, có thể thấy ngành CNTT trong nước đã có những bước tiến thần tốc, làm được những việc mà bình thường có lẽ phải mất tới khoảng 5 năm. Tiêu biểu như việc hơn 20 triệu học sinh trên toàn quốc đã bắt đầu quen với việc học online, các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được thực hiện nhanh gọn hơn chứ không phiền hà như trước...
Cùng chung quan điểm, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển mạng lưới viễn thông Samsung Vina Hồ Chí Dũng cho rằng vị thế và vai trò của Việt Nam được thể hiện rõ ràng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với Samsung, Việt Nam là rất quan trọng.
Mỗi năm, Samsung sản xuất ra khoảng 180 triệu các thiết bị điện tử từ điện thoại, TV, đồ da dụng… thì 60% trong số này có xuất xứ từ Việt Nam. Đáng chú ý, trong 2 năm trở lại đây, Samsung đã trúng hàng loạt các gói về thiết bị viễn thông 5G trên thế giới và có tới 90% những thiết bị dạng này là được sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ ở hiện tại mà trong tương lai Samsung vẫn tin rằng Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Samsung sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới, ông Hồ Chí Dũng nói.
Chuyển đổi số đang có tốc độ nhanh chóng
Chuyển đổi số sẽ tạo ra một không gian mới với thị trường không có đường biên giới hạn, trong đó, Chính phủ sẽ là người đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt. Nói về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Trần Thị Quốc Hiền cho rằng, đây là quyết tâm đã được thể hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt từ trung ương đến địa phương.
Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việt Nam sẽ chuyển đổi số trong 8 lĩnh vực, ngành nghề gồm y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải & logistic, năng lượng, tài nguyên môi trường và sản xuất công nghiệp.
Song song với việc vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhưng cũng vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Trọng điểm của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Thể chế là động lực của chuyển đổi số. Phát triển các nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Chia sẻ góc nhìn về chuyển đổi số tại Việt Nam, đại diện Tiktok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh khẳng định quá trình này là không thể thay đổi được và đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
Ví dụ có thể thấy rõ ràng ở sự phát triển của ứng dụng Tiktok. Mới chỉ có có tuổi đời lên 5 nhưng nền tảng giải trí này hiện đang có 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Riêng ở Việt Nam mỗi ngày Tiktok có khoảng 300 - 400 triệu lượt xem các nội dung giáo dục con số khác biệt so với cách đây 1 năm, khi chỉ có khoảng 20 triệu lượt xem nội dung giáo dục trên ứng dụng mỗi ngày.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của TikTok ở Việt Nam hiện là phục vụ việc quảng bá sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp. Từ câu chuyện của TikTok, có thể thấy tiềm năng rất lớn của chuyển đổi số, ông Nguyễn Lâm Thanh nói.
Nói về chuyển đổi số, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, chỉ tính riêng trong 2 làn sóng đầu của đại dịch Covid-19, Lazada đã giúp 110.000 doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Ngay tại lễ hội mua sắm ngày 9/9 vừa qua, tổng doanh thu của Lazada đã tăng gấp 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng số đơn hàng đã tăng gấp 3 lần. Khách hàng đang có xu hướng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm và uy tín người bán hàng. Số lượng người mua sắm trên gian hàng chính hãng do vậy đã tăng gấp 2 so với năm ngoái.
Đây là con số rất đáng khích lệ, phản ánh sự phát triển của thương mại điện tử cũng như quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, bà Vũ Thị Minh Tú chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần