Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực APEC, diễn ra ngày 21 và 22/2, tại TP Nha Trang, do Bộ GD&ĐT và các đối tác thuộc mạng lưới giáo dục APEC EDNET phối hợp tổ chức. Tại hội nghị, các nền kinh tế APEC nhất trí quan điểm GD&ĐT là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của APEC và tập trung trao đổi về một số chủ đề. Cụ thể là chiến lược giáo dục APEC; tăng cường giáo dục xuyên biên giới; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; xem xét các khía cạnh công nhận văn bằng giáo dục trong khuôn khổ APEC; kết nối các nền giáo dục đại học APEC để nhằm hỗ trợ và chia sẻ công nghệ đào tạo giúp các quốc gia đang phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam có 2 bài trình bày của Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam về chương trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Temasek, Singapore và báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về các định hướng ưu tiên của giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay. Cùng với đó là các đề xuất về những hoạt động của Việt Nam trong mạng lưới giáo dục của các nền kinh tế APEC. Các nền kinh tế thành viên APEC có nhiều báo cáo chất lượng và những chia sẻ về tăng cường hợp tác giữa trong lĩnh vực GD&ĐT. Đặc biệt là tập trung vào các nội dung được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục APEC 2016.Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Cũng như các nước thành viên khác trong khu vực APEC, Việt Nam luôn nhìn nhận giáo dục là nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, nuôi dưỡng, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam đã bắt đầu tiến hành cách đây hơn một thập kỷ”. Với tư cách là chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho rằng, để tạo dựng các cơ hội hợp tác giáo dục, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ mang tính hệ thống phù hợp với đặc điểm hệ thống giáo dục của mỗi nước. Việt Nam mong muốn được chia sẻ cũng như nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước thành viên APEC trong công cuộc đổi mới giáo dục của mình. Nhưng, trước mắt, bắt đầu từ hợp tác song phương và hướng tới đa phương trong tương lai, thông qua các dự án, sáng kiến, chương trình nhằm giúp cho tất cả các nước thành viên APEC giải quyết được những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, từ đó phát huy tối đa vai trò nền tảng của giáo dục trong việc tạo ra các thành tựu đổi mới của thế kỷ 21.