Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam cùng 7 nước tham gia thảo luận TPP vào tháng 3

Chia sẻ Zalo

KTĐT - TPP là một cơ sở quan trọng cho sự hội nhập kinh tế khu vực và có thể là một nền móng hướng tới mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về một Khu vực thương mại tự do trong vùng.

KTĐT - TPP là một cơ sở quan trọng cho sự hội nhập kinh tế khu vực và có thể là một nền móng hướng tới mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về một Khu vực thương mại tự do trong vùng.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Crean ngày 16/2 cho biết Australia cùng với Mỹ, New Zealand, Singapore, Chile, Brunei, Peru và Việt Nam sẽ bắt đầu thương lượng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 3 tới tại Melbourne, Australia.

Ông Crean nói tại Hiệp hội phóng viên nước ngoài ở Sydney rằng TPP là một cơ sở quan trọng cho sự hội nhập kinh tế khu vực và có thể là một nền móng hướng tới mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về một Khu vực thương mại tự do trong vùng.

TPP, hiệp định duy nhất bắc qua hai bờ của Thái Bình Dương, được 4 thành viên sáng lập là Brunei, Chile, Singapore và New Zealand ký năm 2005. Khi có hiệu lực năm 2006, hiệp định này được coi là một con đường dẫn tới tự do hóa thương mại trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Australia cho rằng quyết định của Mỹ tham gia đàm phán về TPP sẽ thúc đẩy cuộc thương lượng để biến TPP thành "hạt nhân" cho một thỏa thuận khu vực tự do thương mại rộng lớn với dân số 2,6 tỉ người.

Ông Crean nói gần đây rằng 8 nước tham gia đàm phán đều đã có những hiệp định thương mại tự do (FTA) có chất lượng. Nhóm này sẽ xác định rõ những gì họ cần cho một hiệp định thương mại hiện đại trong thế kỷ 21. Thỏa thuận của những nước này sau đó có thể sẽ được mở rộng ra đối với những quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận những nguyên tắc chung.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Crean cho hay Australia và Trung Quốc sẽ nối lại các cuộc đàm phán về thương mại tự do (FTA) bị đình trệ từ tháng 12/2008 trong tháng này tại Canberra, nhưng nông nghiệp vẫn là một vấn đề gây khó khăn.

Theo ông Crean, khi công bố việc tổ chức vòng 14 các cuộc đàm phán FTA với Bắc Kinh sau hơn một năm gián đoạn, "chướng ngại vật" vẫn là sự nhạy cảm xung quanh vấn đề nông nghiệp và Australia không thể chấp nhận một kết quả FTA ít hơn những gì mà Trung Quốc đã đề nghị với New Zealand khi bàn đến vấn đề nông nghiệp.

Trung Quốc và Australia công bố các kế hoạch về một thỏa thuận thương mại tự do vào tháng 4/2005, nhưng chưa có cuộc đàm phán nào kể từ sau vòng 13 tổ chức ở Bắc Kinh cuối năm 2008.

Các công ty quốc doanh của Trung Quốc rất muốn mua các doanh nghiệp khai mỏ của Australia nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và Trung Quốc cũng muốn có sự sáng tỏ hơn trong các quy định về đầu tư nước ngoài của Australia. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không sẵn sàng mở cửa thị trường cho nông nghiệp của Australia.

Hai bên còn có những bất đồng chưa được giải quyết liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch hai chiều đạt khoảng 83 tỉ AUD trong năm 2008-2009./.