Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN lần thứ 19 được tổ chức tại Hà Nội vừa bế mạc (ngày 9/3).

Một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị lần này là thúc đẩy quá trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Vậy, Việt Nam đã có những đóng góp cho quá trình này như thế nào? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về vấn đề này.

Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết - Ảnh 1
 
Các Bộ trưởng Kinh tế Asean nhất trí cao trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.Ảnh: Hoài Nam

Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 là một nội dung quan trọng của Hội nghị lần này. Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung chính đã được bàn thảo tại hội nghị về vấn đề này?

- Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã bàn thảo và ký kết 2 Nghị định sửa đổi, tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại nội khối ASEAN bao gồm: Nghị định thư sửa đổi một số Hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN. Những hiệp định này giúp cho việc thực hiện các Hiệp định kinh tế, thương mại giữa các nước ASEAN được thuận lợi hơn, từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã thông qua tài liệu cơ sở để chuẩn bị cho việc thực hiện đàm phán Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dự kiến trong năm 2013 sẽ tiến hành đàm phán Hiệp định RCEP và kết thúc vào 2016.

Nếu được ký kết, Hiệp định này sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, với số dân chiếm khoảng 50% dân số và 30% GDP thế giới. Để khẳng định quyết tâm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các Bộ trưởng, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, tiến tới thiết lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm 2015. Đó là xây dựng cơ chế hỗ trợ DN vừa và nhỏ ASEAN; tăng cường cạnh tranh của ASEAN; củng cố vai trò của doanh nhân trẻ ASEAN; tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN...

Một trong những thách thức lớn trong việc hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm 2015 là việc hài hòa các thủ tục hành chính? Vậy, Việt Nam và các nước ASEAN đã làm gì để giải quyết những thách thức đó? 

- Muốn thành lập được Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, việc hài hòa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh tế giữa các nước là điều cần thiết, nhưng đây cũng là khó khăn không dễ vượt qua. Nguyên nhân là do các quốc gia ASEAN có nền tảng chính trị, văn hóa, xã hội và xuất phát điểm cũng như trình độ kinh tế khác nhau, đặc biệt là ASEAN 6 và các nước gia nhập sau là: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. 

Trong những năm qua, Việt Nam và các nước ASEAN đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng những quy định chung về thủ tục kinh tế. Chẳng hạn trong năm 2012, các nước ASEAN đã ký Hiệp định Hải quan mới (thay thế Hiệp định Hải quan ký từ 1997); Việt Nam và các nước ASEAN cũng đã thực hiện sáng kiến về cơ chế hải quan một cửa ASEAN. Việc xây dựng cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh thương mại giữa các nước ASEAN được thuận lợi hơn, thông qua việc truyền tải thông tin, dữ liệu cần thiết qua mạng điện tử giữa các nước. Không những thế, các nước ASEAN đã xây dựng chiến lược hải quan chung trong giai đoạn 2011 - 2015.

Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc ra đời Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, thưa ông?

- Không chỉ riêng Việt Nam mà với tất cả các nước ASEAN, điều quan trọng nhất trong xây dựng cộng đồng chính là thực hiện cải cách trong nước để đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi đặt ra mà chúng ta đã thỏa thuận trong hiệp định với các nước ASEAN, cũng như yêu cầu thực hiện các sáng kiến mà các nước ASEAN đã đưa ra. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, như về thương mại hàng hóa đã thực hiện tất cả các cam kết đã ký với các nước ASEAN; Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước hoàn thành tốt nhất các cam kết về đầu tư cũng như các sáng kiến của các nước ASEAN thời gian vừa qua… 

Có thể nói, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cùng các nước ASEAN thống nhất về tư tưởng và hành động trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. 

Xin cảm ơn ông!

Nằm trong chương trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN lần thứ 19, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - EU lần thứ 3, bên cạnh phiên họp chính với chủ đề "Cùng hợp tác: Đẩy mạnh quan hệ ASEAN - EU phát triển và thịnh vượng", cũng diễn ra 6 phiên thảo luận song song theo các chuyên ngành nông nghiệp, công nghiệp ô tô, dịch vụ tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ sở hạ tầng - kết nối, dược - y tế, nhằm bàn thảo việc áp dụng khung chính sách thương mại và đầu tư vào triển vọng kinh doanh, nâng cao mạng lưới khu vực ASEAN - EU.