Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Việt Nam đã trở thành ngôi nhà tuyệt vời thứ hai của tôi"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của bà Katherine Muller-Marin - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO và kỷ niệm 5 năm ngày Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Tối 23/11, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Hữu nghị. Nhân sự kiện này bà Katherine Muller Marin đã bày tỏ tình cảm gắn bó với người dân Việt Nam cùng nhiều năm gắn bó cho sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt.

Trong bài phát biểu nhân sự kiện này, bà Katherine Muller Marin cho biết: Sau nhiều thập niên của chiến tranh và những tàn phá khốc liệt, Liên hợp quốc được sinh ra với mong muốn, khát khao có hòa bình của nhân loại. Cũng với khát khao đó, UNESCO đã ra đời, nhằm kiến tạo một nền hòa bình vĩnh cửu thấm đậm trong tâm trí mỗi con người, cả nam lẫn nữ, trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao Huân chương Hữu nghị cho Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin. Ảnh Phạm Hùng
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao Huân chương Hữu nghị cho Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin. Ảnh: Phạm Hùng
UNESCO là hiện thân cho khát vọng hòa bình của nhân loại thông qua việc hiểu đúng và học được các bài học của quá khứ, và khả năng dũng cảm đương đầu với hiện tại, một hiện tại đôi khi bị chi phối bởi bạo lực, gây nên tổn thất to lớn về tính mạng và tài sản con người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tư tưởng thấm đẫm tính nhân văn của UNESCO để thúc đẩy phát triển con người và sự hài hòa giữa các dân tộc.

Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO được tổ chức tại Paris, hồi đầu tháng này, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã nói: “Sau 7 thập niên kể từ ngày được sinh ra, tư tưởng cốt lõi của UNESCO trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết: Chúng ta có thể xây dựng xã hội vững mạnh hơn và kiên cường hơn thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa và tự do ý tưởng. Vai trò của UNESCO là đề xuất những sáng kiến giúp kết nối mọi người gần nhau hơn… để tăng cường sự đoàn kết về cả trí tuệ lẫn đạo đức giữa các dân tộc, để củng cố niềm tin rằng nhân loại chính là một gia đình, thống nhất trong đa dạng”. Chính những nguyên tắc này là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO bởi vì Việt Nam là ví dụ điển hình về một dân tộc đa dạng nhưng đoàn kết, luôn có những niềm tin mạnh mẽ và trân trọng giá trị gia đình.

UNESCO đã và luôn sát cánh với Việt Nam vào những thời điểm Việt Nam cần nhất sự hỗ trợ của UNESCO. Ngược lại, Việt Nam cũng luôn ủng hộ UNESCO tại diễn đàn quốc tế cũng như trong việc thực hiện sứ mệnh của UNESCO tại Việt Nam.

Các lĩnh vực mà UNESCO và Việt Nam đã từng hợp tác và đạt nhiều thành tựu như: Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT), nâng cao năng lực cho ngành truyền thông, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch bền vững. Về lĩnh vực văn hóa, thông qua UNESCO, Việt Nam đã khẳng định được văn hóa chính là trụ cột để gìn giữ bản sắc dân tộc, để phát triển và hội nhập quốc tế….

“Đối với tôi, Việt Nam đã trở thành ngôi nhà tuyệt vời thứ hai của tôi và gia đình tôi. Tôi đã biết yêu thương đất nước này như chính quê hương tôi, cũng như biết trân trọng và hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi rất ngưỡng mộ vẻ đẹp tuyệt vời và bề dày lịch sử của các khu di sản, cũng như tính đa dạng của các di sản văn hóa phi vật thể nơi đây” - bà Katherine Muller Marin bày tỏ.

Trưởng đại diện UNESCO còn tỏ ra ngưỡng mộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đã chỉ rõ tầm quan trọng của đa dạng văn hóa ở Việt Nam. Người đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị, đồng thời tin tưởng rằng văn hóa phải thấm đẫm vào từng tế bào của xã hội và chạm tới từng con người để khơi dậy tiềm năng sáng tạo, và cho rằng “Mục đích cao cả của học tập là để trở thành người với đúng ý nghĩa của nó”.

Bà Katherine Muller-Marin tự hào khi khoác trên mình chiếc Áo dài truyền thống bởi nó là sợi dây vô hình kết nối tâm hồn bà với quê hương này.

Bên cạnh lời nhắc nhở mỗi người dân Việt hãy giữ gìn, nâng niu giá trị quý báu của dân tộc bao gồm: Văn hóa và di sản, lòng hiếu khách chân thành và tình cảm nồng hậu, bà Katherine Muller Marin còn cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình xây dựng một tương lai bền vững cho mọi công dân của đất nước tươi đẹp này và của cả thế giới.