Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đảm bảo thực thi các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 30 năm thực hiện các cam kết của Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa được quốc tế ghi nhận.

Tại Thụy Sĩ, trong khuôn khổ phiên họp thứ 53 của Ủy ban Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ trong hai ngày 10 và 11/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và trình bày Báo cáo hợp nhất lần 2, 3 và 4 của Việt Nam về tình hình thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng đã tham gia đoàn.

 
Giải chạy báo Hà Nội Mới vì hòa bình tháng 10/2014 (Nguồn: TTXVN)
Giải chạy báo Hà Nội Mới vì hòa bình tháng 10/2014 (Nguồn: TTXVN)
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của LHQ (ICESCR) được Việt Nam phê chuẩn và chính thức là thành viên từ năm 1982. Trong hơn 30 năm thực hiện các cam kết của Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa được quốc tế ghi nhận. 

Tại các buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của LHQ và đoàn Việt Nam đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng về tình hình thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Việt Nam. 

Trưởng đoàn Việt Nam đã khẳng định đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo thực thi các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa. Chính phủ Việt Nam luôn xác định con người là mục đích, là trung tâm và động lực của sự nghiệp phát triển, luôn kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền đảm bảo an sinh xã hội và môi trường. Đó là 3 trụ cột cơ bản phải được phát triển hài hòa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Các thành viên ủy ban đã chúc mừng Việt Nam về thành tựu đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, công bằng và không phân biệt đối xử đối với mọi người dân, trên các vùng miền. Bên cạnh những câu hỏi và vấn đề mà các thành viên ủy ban nêu lên trong cuộc họp, các thành viên ủy ban cũng gợi mở nhiều nội dung để Việt Nam xem xét tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng các chính sách, chương trình của quốc gia nhằm vượt qua những thách thức, khó khăn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả việc thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đoàn Việt Nam khẳng định việc tổ chức thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa tại Việt Nam là một quá trình rộng khắp, thường xuyên và liên tục. Các ý kiến đóng góp của ủy ban trong cuộc họp xem xét báo cáo này và những kết luận về cuộc họp mà ủy ban sẽ thông qua vào cuối phiên họp lần thứ 53 sẽ được Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu thỏa đáng và tổ chức thực hiện, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế.