Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Vương Thừa Phong đánh giá Bỉ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Ông cho biết trong những năm gần đây, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Bỉ đã có sự chuyển biến chuyển biến tích cực và mạnh mẽ. Giá trị thương mại hàng hóa trao đổi giữa Bỉ và Việt Nam đạt gần 2,3 tỷ USD trong năm 2015 so với mức vài trăm triệu USD trong năm 2000.
Dự án Rent-A-Port tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. (Nguồn: rentaport.be) |
Bên cạnh lĩnh vực thương mại, các nhà đầu tư Bỉ đang tích cực hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế lớn ở Việt Nam bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tài chính.
Hiện có 65 dự án của Bỉ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 724,21 triệu USD.
Về phần mình, bà Astrid Vliebergh, Giám đốc kinh tế và hợp tác quốc tế của tỉnh Đông Flander, cho biết 6 năm trước tỉnh này đã mở Văn phòng kinh tế Flander tại thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho các doanh nghiệp của tỉnh vào Việt Nam.
Bà nhận xét từ thời điểm đó tới nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng. Hiện một số doanh nghiệp của tỉnh Đông Flander đang xúc tiến hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.
Đầu tháng 12 tới đây, một đoàn các nhà khoa học và doanh nhân trong lĩnh vực trồng trọt của Đông Flander sẽ đến Việt Nam bàn về hợp tác trồng hoa và rau quả tại Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các diễn giả tham dự hội thảo đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Với tư cách là Tổng giám đốc một công ty hiện diện lâu năm tại Việt Nam, luật sư quốc tế Oliver Massmann đã chia sẻ những phân tích về góc nhìn thực tế và pháp lý về thị trường Việt Nam.
Luật sư Oliver Massmann nhận xét Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới được Việt Nam thông qua gần đây rất rõ ràng, minh bạch. Các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, thời gian giải quyết thủ tục giấy phép đầu tư rất nhanh gọn.
Ông đánh giá Việt Nam có luật đầu tư hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng rất nhiều sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và có thể coi là mở rộng nhất so với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ngay cả châu Á.
Phần giới thiệu của diễn giả về mô hình đầu tư của Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ tại khu công nghiệp Đình Vũ của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của khách tham dự.
Rent-A-Port được coi là dự án đầu tư lớn nhất và rất thành công của Bỉ ở Việt Nam với số vốn chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng.
Ông Marc Stordiau, Giám đốc điều hành Rent-A-Port, nhấn mạnh ông muốn chuyển tải thông điệp tới các nhà đầu tư Bỉ là họ hãy đến Việt Nam để đầu tư kinh doanh. Tại Việt Nam, tập đoàn của ông kinh doanh hiệu quả đồng thời có sự hòa hợp giữa nhân viên người Việt Nam và Bỉ, sự hòa hợp mà theo ông cho biết không có được tại các dự án khác.
Ông nhận xét tập đoàn của ông có dự án ở các nước Nigeria, Hà Lan, Qatar, Oman nhưng tại các nơi này nhân viên địa phương và nhân viên Bỉ không thực sự gắn kết được với nhau. Còn tại Việt Nam, Rent–A-Port đã xây dựng được một êkíp tuyệt vời với 82 nhân viên người Việt cùng 6 người Bỉ. Họ phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn trong công việc và đặc biệt tôn trọng lẫn nhau.
Giám đốc điều hành Rent-A-Port nhận xét nhân viên người Việt Nam rất tận tâm, nghiêm túc trong công việc và lãnh đạo tập đoàn rất hài lòng về đội ngũ nhân sự tại Việt Nam.
Hội thảo là dịp để các nhà đầu tư cũng như công chúng quan tâm có cơ hội tìm hiểu, trao đổi và phân tích triển vọng phát triển đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Bỉ, qua đó cung cấp cho người dân, các doanh nghiệp Bỉ và những người quan tâm những thông tin bổ ích về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam hiện nay./.