Việt Nam đứng đầu khảo sát lạc quan kinh tế hậu giãn cách xã hội

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 80% người Việt Nam được hỏi trong một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường đa quốc gia Ipsos tin rằng, nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra.

 
Khảo sát thực hiện từ ngày 9 - 12/4 cho thấy, chỉ người dân của 3/15 quốc gia được thăm dò bởi Ipsos có niềm tin rằng nền kinh tế sẽ sớm hồi sức sau khi các lệnh phong tỏa kết thúc, bao gồm Việt Nam (80%), Trung Quốc (68%) và Ấn Độ (63%).
Trái lại, hầu hết người dân Tây Ban Nha (76%), Pháp (72%), Italia (68%), Vương quốc Anh (67%), Nga và Nhật Bản (64%) và Canada (62%) cảm thấy bất an về tương lai của nền kinh tế, trước những tác động lâu dài từ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Một số quốc gia cho thấy sự chia rẽ quan điểm không rõ ràng nơi người dân. Chẳng hạn tại nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ - gần một nửa số người được hỏi (49%) không đồng ý về sự phục hồi nhanh chóng, trong khi 43% tin điều đó sẽ xảy ra.
Niềm tin của người dân về hiệu quả của các biện pháp hạn chế kinh tế đối với việc ngăn chặn Covid-19 có sự thay đổi qua nhiều gian đoạn: 19-21/3; 26-28/3; 2-4/4; 9-12/4.
Một phần của khảo sát, liên quan đến đánh giá các biện pháp được thực hiện, đa số người Ấn Độ (56%), Brazil và Đức (54%) cho rằng các hạn chế về du lịch và yêu cầu tự giãn cách sẽ không ngăn được sự lây lan của Covid-19. Trái với các quốc gia ghi nhận sự ủng hộ vượt trội hơn là Trung Quốc (63%), Australia (59%), Italia và Canada (58%), Tây Ban Nha (57%), Anh và Việt Nam (54%) và Pháp (51%).
Đáng chú ý, nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi trong việc tin tưởng hiệu quả của các biện pháp tại các nước qua nhiều giai đoạn và chỉ ra: Các quốc gia có sự thay đổi đáng kể trong biện pháp hạn chế kể từ giữa tháng 3 sẽ cho thấy sự lạc quan đối với nền kinh tế tăng lên.
Cuộc khảo sát của Ipsos được thực hiện trên nền tảng trực tuyến Global Advisor với gần 29.000 người - trong độ tuổi 18-74 ở Canada và Mỹ, 16-74 ở AUstralia, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga, Việt Nam và Vương quốc Anh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần