>> Toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Phó Thủ tướng cho biết, các chính sách an ninh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm thực hiện, tạo 620.00 việc làm mới, trong đó xuất khẩu trên 45.000 lao động. Các lĩnh vực y tế, GD-ĐT, KHCN, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường tiếp tục được chú trọng; thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh; khống chế được dịch sởi, chân tay miệng; quốc phòng an ninh được tăng cường...
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do các tác động từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Ngay trong tháng 5, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch giảm nhẹ, thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán có dao động trong 1-2 ngày nhưng đã ổn định trở lại.
Về tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục và kịp thời của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Chúng ta đã tiến hành giao thiệp bằng nhiều hình thức với Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp của Trung Quốc. Nhiều chính phủ, tổ chức, diễn đàn, cá nhân, học giả nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và những biện pháp đấu tranh của Việt Nam; bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và phê phán mạnh mẽ các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, cơ quan chức năng dự báo các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cả trước mắt và lâu dài; theo dõi sát diễn biến tình hình để áp dụng giải pháp phù hợp trong một số lĩnh vực có quan hệ lớn với Trung Quốc như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, các dự án tổng thầu EPC gắn với vốn vay ưu đãi, du lịch...
Tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ, chính sách phù hợp đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân trên biển trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc, đây là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong kinh tế thị trường. Việt Nam chủ trương nhất quán tăng cường hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong các lĩnh vực này, cả song phương và đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và WTO vì lợi ích của mỗi nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh hiện nay đòi hỏi chúng ta càng phải quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường, nguồn vốn đầu tư và đối tác, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác; tạo nền tảng cho phát triển ổn định, bền vững.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình hình Biển Đông; kinh tế - xã hội, giải pháp để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng, không lệ thuộc nước ngoài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nước ta thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. Có thể nói Việt Nam không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh điều này. Tuy nhiên, trong thế giới phẳng, thì không thể độc lập hoàn toàn. Nhưng chúng ta có tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, ứng phó với các tình huống… Vì vậy, giải pháp đặt ra trước hết phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Thời gian tới cần thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có chọn lọc, đặc biệt là các dự án có hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao. Nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết thời gian qua đã phát hiện, xét xử điều tra nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, còn nhiều phức tạp, thách thức. Vì vậy, giải pháp là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật; củng cố lực lượng trực tiếp chống tham nhũng; tổ chức tốt các hình thức tiếp nhận thông tin; thường xuyên kiểm tra đánh giá những lĩnh vực nhạy cảm; xác định trách nhiệm của người đứng đầu…
Về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển, vừa được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh xây dựng Nghị định về vấn đề này, gồm: Nội dung bảo hiểm thân tàu như thế nào, lãi suất bao nhiêu, ân hạn… Và đã giao Chủ tịch 28 tỉnh có biển, cùng NHNN, NHTM thực hiện tốt, thủ tục thuận lợi, nhanh chóng. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thường xuyên việc thực hiện chương trình này.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, phiên chất vấn đã thành công, đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn bình tĩnh, sáng suốt, thẳng thắn, giải đáp những vấn đề đồng bào cử tri cả nước, Quốc hội đặt ra.
Quốc hội đã nhận thấy an ninh về nợ công đang bị đe dọa, là vấn đề cần được rà soát điều chỉnh, nghiêm túc xem xét thận trọng để bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, rộng hơn là bảo vệ kinh tế vi mô ổn định, phát triển vững chắc trong thời gian tới. Quốc hội đã yêu cầu ngành giáo dục khẩn trương tìm mọi biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, xây dựng cho được đề án đổi mới toàn diện, căn bản GD-ĐT.
Quốc hội nhất trí thống nhất hệ thống pháp luật, thể chế mặc dù đã có rất nhiều công sức xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời gian qua nhưng hiện cần phải tiếp tục đổi mới theo tinh thần của Hiến pháp, công khai, minh bạch, rõ ràng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, QH một lần nữa thể hiện quyết tâm của mình, là nhiệm vụ sống còn, cấp bách, gian khổ, khẩn trương, kiên trì và có biện pháp và còn phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.
|
ĐB Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ. |