Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi tiếp bà Katherine Ashton, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 12/8.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Catherine Ashton.
Đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam và kết quả cuộc hội đàm giữa bà Katherine Ashton và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và EU đang tiến triển tốt đẹp, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với EU và các nước thành viên, mong muốn cùng EU nỗ lực tăng cường quan hệ giữa hai bên ngày càng thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của bà Katherine Ashton lần này và của Chủ tịch EC Manuel Barroso sắp tới sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU; ủng hộ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - EU. Thủ tướng tin tưởng rằng với tiềm năng hợp tác còn rất lớn, việc hoàn tất và phê chuẩn PCA và FTA sẽ tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn và mong muốn EU tiếp tục ủng hộ ODA cho Việt Nam và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tại buổi tiếp, bà Katherine Ashton cho biết, chuyến thăm của bà tới Việt Nam và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch EC Manuel Barroso cũng như các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa 2 bên là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn của EU trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Bà Katherine Ashton chính thức thông báo, EU đã quyết định tăng tài trợ ODA thêm 30% so với giai đoạn trước cho Việt Nam trong 5 năm tới. "Phía EU cũng đang nỗ lực và mong muốn thúc đẩy trong thời gian sớm nhất có thể để phê chuẩn PCA cũng như kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam; đồng thời, cho biết 2 bên sẽ tích cực làm việc nhằm đảm bảo Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để EU sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam" - bà Katherine Ashton khẳng định.
Về vấn đề Biển Đông, bà Katherine Ashton cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng và cũng là chủ đề chính chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra tại Myanmar. “EU hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp quốc tế. Hy vọng nỗ lực của ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực” - bà Katherine Ashton nói.
Bà Katherine Ashton cũng cho biết, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, bà đã nêu rõ rằng, bất cứ xung đột, tranh chấp nào trên Biển Đông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982. Bà cũng chia sẻ quan điểm rằng: “Hành động đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý chiếm hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ và lớn nhất đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và trong khu vực”.