Đó là thông tin được Bộ KH&CN đưa ra tại hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội.
Đánh giá tại của Bộ KH&CN cho thấy, đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi mà các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác như lực lượng lao động, quỹ đất ngày một giảm đi. Những năm qua, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa ngành hàng lúa gạo nước ta không những đảm bảo được an ninh lương thực mà còn vươn lên giữ vị thế top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh tăng cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng đang gặp rất nhiều trở ngại, thách thức. Điều này đòi hỏi cần phải có chiến lược đổi mới và phát triển với nền tảng công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi từ nền nông nghiệp phát triển theo chiều rộng sang tập trung vào chiều sâu, hướng tới sản xuất theo chuỗi hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới và tiếp cận công nghệ sản xuất, lai tạo giống nhưng cho đến nay Việt Nam chỉ có 17 đơn vị tham gia chọn tạo giống chính (6 DN và 11 viện, trường) cùng với khoảng 260 DN sản xuất, kinh doanh giống lúa. Chính vì vậy, các giống lúa mới tạo ra phần lớn không đạt chất lượng và tỷ lệ đưa vào sản xuất rất ít và khó kiểm soát được chất lượng. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu gạo từ các giống lúa chất lượng cao vẫn còn thấp, thậm chí chưa có giống lúa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.
Những năm gần đây, phân khúc gạo cao cấp đang có chiều hướng tăng nhưng xuất khẩu gạo chủ yếu vẫn là phân khúc trung bình và thấp do chưa chủ động được về giống. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có khả năng đáp ứng được 33% nhu cầu về giống, tương đương 1,2 triệu tấn, còn lại vẫn phải nhập khẩu giống từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá trị nhập khẩu khoảng 35 triệu USD/năm. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ từ hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ cho đến lộ trình đổi mới công nghệ. Trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo nhằm tạo ra những giống lúa thuần chủng chịu hạn, mặn và thích nghi với biến đổi khí hậu cũng như điều kiện canh tác lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Chính vì vậy, tại hội thảo này, các nhánh công nghệ mới đối với ngành hàng lúa gạo được xác định cần phải tập trung trong thời gian tới là công nghệ lai hữu tính, công nghệ chỉ thị phân tử, công nghệ đột biến bằng tác nhân vật lý và công nghệ gen. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, định hướng cho các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) cấp quốc gia cũng như các kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để đưa ra các chiến lược phát triển cụ thể cho ngành hàng lúa gạo. Đây cũng là tiền đề để xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho công tác chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo |
Mô hình trình diễn giống lúa lai tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. |
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 5, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 với sản lượng ước tính 10,12 triệu tấn, giảm khoảng 1,13 triệu tấn (10,2%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do hạn hán, nhiễm mặn trên diện rộng, đặc biệt tỉnh Bến Tre thiệt hại 100% diện tích gieo trồng do nhiễm mặn… |