Việt Nam năm 2018: Nhiều FTA chờ đợi, thách thức Biển Đông

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề Biển Đông, thúc đẩy phê chuẩn EVFTA, ký Hiệp định CPTPP và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những sự kiện quan trọng trong năm 2018.

Nhiều FTA chờ đợi trong năm 2018
Trả lời Kinh tế&Đô thị, GS Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, năm 2017 của Việt Nam được đánh dấu bằng việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC và các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo các nước Trung Quốc, Mỹ, Canada và Chile.
Một thành công nữa trong năm vừa qua là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Washington và gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một nước Đông Nam Á được Tổng thống Mỹ tiếp đón.
 Chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5/2017.
Nhận định về chính sách ngoại giao của Việt Nam trong năm 2017, GS Carl Thayer cho rằng, Việt Nam có khung khổ lâu dài về quan hệ ngoại giao, trung tâm là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao, đặc biệt là với các nước lớn và làm bạn với tất cả các nước. Việt Nam cũng theo đuổi chính sách ngoại giao chủ động và chủ động hội nhập kinh tế. Nhờ chính sách này, Việt Nam đã thành công khi trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) niệm kỳ 2008-2009 với số phiếu nhất trí cao (183/190 phiếu). Việt Nam hiện cũng đang nỗ lực để tái đắc cử vào vị trí này trong năm nay.
Về các hoạt động trong năm 2018 của Việt Nam, ông Murray Hiebert, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá, Việt Nam đã bắt đầu năm 2018 một cách rất năng động, tích cực với việc đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ ngay đầu năm. Một sự kiện quan trọng tiếp theo là chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ vào tháng 3.
Về lĩnh vực thương mại, vấn đề trọng tâm trong năm 2018 là đảm bảo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) sẽ được thông qua. Ông Murray Hiebert cũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng sẽ cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại với Mỹ để cân bằng lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Căng thẳng ở Biển Đông có xu hướng gia tăng

Về thách thức cho năm 2018, ông Murray Hiebert cho rằng, một trong số đó là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
 Công trình phi pháp ở Biển Đông do Trung Quốc xây dựng.
Cùng chung nhận định rằng, căng thẳng trong vấn đề Biển Đông có xu hướng gia tăng trong năm nay, GS Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia lưu ý, Mỹ đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc.
Sự xuất hiện của Đối thoại an ninh Tứ giác (Quadrilateral Security Dialogue) bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cho thấy sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề hàng hải của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ASEAN dự định kết thúc cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối năm nay. Việt Nam mong muốn COC sẽ có ràng buộc pháp lý nhưng Trung Quốc thì không, ông Carl Thayer nói thêm.
Năm nay, Singapore sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, đồng thời cũng là quốc gia  điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, về vấn đề Biển Đông, lựa chọn hợp lý là tiếp tục nỗ lực để có thêm sự hỗ trợ về mặt ngoại giao từ Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Australia và đặc biệt là ASEAN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần