Việt Nam nên quan tâm hơn tới dòng vốn đầu tư ra bên ngoài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để kiểm soát được dòng vốn đang có nhiều biến động, Việt Nam nên quan tâm hơn tới dòng vốn đầu tư ra bên ngoài hơn là những dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam.

KTĐT - Để kiểm soát được dòng vốn đang có nhiều biến động, Việt Nam nên quan tâm hơn tới dòng vốn đầu tư ra bên ngoài hơn là những dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Vấn đề lạm phát, kiểm soát dòng tiền… là những vấn đề nóng được thảo luận nhiều tại Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44. Chính vì vậy, bên lề Hội nghị, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Naoyuki Shinohara, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xung quanh vấn đề này.

- Ông có nhận xét thế nào về chính sách tiền tệ ở Việt Nam để đối phó với tình hình lạm phát?

Ông Naoyuki Shinohara: Chúng tôi đánh giá cao những chính sách Việt Nam đã thực hiện nhằm duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn. Những giải pháp như tăng tỷ lệ lãi suất, thắt chặt tiền tệ và những nỗ lực giảm thiểu thâm hụt ngân sách đã thể hiện những nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, những thách thức hiện cho thấy Việt Nam cần tiếp tục kiên trì không chỉ với những giải pháp ngắn hạn mà còn phải hướng tới những giải pháp trung và dài hạn.

- Ông có thể làm rõ hơn những thách thức đó?

Ông Naoyuki Shinohara: Tôi nghĩ rằng một trong những thách thức là kiềm chế những kỳ vọng về lạm phát, một khi mà kỳ vọng của người dân xuất hiện thì rất khó để kiềm chế trong một thời gian ngắn. Một khi Chính phủ sử dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ thì điều mà thị trường cần là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc tiếp tục nỗ lực để kiềm chế lạm phát.

- Khi lạm phát tăng cao, đồng nội tệ mất giá, nhiều người đã lo ngại Việt Nam có thể lặp lại khủng hoảng tài chính tiền tệ chấu Á những năm 1990. Theo ông, Việt Nam có xảy ra tình trạng như thế không và nếu có thì Chính phủ cần có những giải pháp gì?

Ông Naoyuki Shinohara: Quyết định gần đây của Chính phủ chú trọng vào việc ổn định hệ thống tiền tệ cũng như  nền kinh tế vĩ mô là hướng đi đúng đắn. Nó cũng giúp tăng lòng tin vào đồng nội tệ. Tôi vẫn cho rằng, Chính phủ cần thực hiện cam kết giữ ổn định cho nền kinh tế.

- Với các nước đang phát triển thì những nguồn vốn từ IMF hay ADB rất quan trọng, IMF có kế hoạch gì để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Naoyuki Shinohara: Điều mà chúng tôi đã và đang tiếp tục thực hiện là việc tư vấn về mặt chính sách cho Chính phủ Việt Nam, kể cả những vấn đề mang tính kỹ thuật như quản lý hiệu quả hệ thống tài chính tiền tệ. Đây cũng là lĩnh vực mà IMF có nhiều lợi thế. Chúng tôi sẽ cũng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam.

- Làm sao để kiểm soát được dòng vốn đang có nhiều biến động?

Ông Naoyuki Shinohara: Về vấn đề này, Việt Nam có một chút khác biệt so với những nước khác. Thời điểm này, Việt Nam nên quan tâm hơn tới dòng vốn đầu tư ra bên ngoài hơn là những dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Rất nhiều nước cũng đang đối mặt với sự biến động về các dòng vốn, và đó là một thách thức lớn với những nhà làm chính sách. Có một vài điều họ cần chú ý tới, một là ổn định kinh tế vĩ mô, cần xem xét  liệu rằng chính sách ấy là đúng hay sai. Đồng thời, có những trường hợp mà cần phải thực hiện những chính sách khôn ngoan như chính sách về thuế để kiểm soát sự bất ổn về dòng vốn.

Xin cảm ơn ông!