Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nếu Anh tham gia hiệp định CPTPP

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên.

"Với tư cách là nước thành viên CPTPP, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tham gia Hiệp định CPTPP nếu phía Anh quan tâm", theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Nguồn: Báo quốc tế
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/9, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, vừa qua, phía Anh cũng có một số hoạt động trao đổi với các nước thành viên CPTPP. 
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên và tự do hóa thương mại theo hướng mở và dựa trên luật lệ quốc tế và pháp luật. Các nước thành viên CPTPP đã thông qua quy trình gia nhập, theo đó, các nền kinh tế quan tâm cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như quy trình gia nhập.
Mới đây, phiên họp trực tuyến lần thứ 3 đã diễn ra vào ngày 6/8/2020, phiên họp tiếp theo của Hội đồng CPTPP sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2021.
Trước đó, ngày 17/6/2020, Chính phủ Anh thông báo sẽ theo đuổi kế hoạch gia nhập Hiệp định CPTPP.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss chia sẻ: "Hôm nay, chúng tôi thông báo ý định gia nhập CPTPP, một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới”.
Chính phủ Anh cũng thông báo kế hoạch này trên trang web của họ, trong đó cho biết việc tham gia CPTPP sẽ giúp Anh vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 và giúp quốc gia này đa dạng hóa các quan hệ thương mại, đặc biệt là tìm kiếm các đối tác ở khu vực ASEAN.
CPTPP là hiệp định tự do thương mại kết nối 11 nền kinh tế khác nhau là Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Một khi được thực thi đầy đủ hiệp định này, 11 quốc gia sẽ tạo nên khối quan hệ thương mại tương ứng với 495 triệu người tiêu dùng và 13,5% GDP toàn cầu, theo những ước tính của Chính phủ Canada. Nếu Vương quốc Anh tham gia, tỉ lệ GDP sẽ tăng lên khoảng 16%.
Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1/2020 nhưng các điều khoản chính gắn với tư cách thành viên EU của nước này vẫn được duy trì trong giai đoạn chuyển đổi cho tới cuối năm nay.
Cả Anh và EU đều hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên vào cuối năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần