Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sẽ tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việt Nam có dân số khoảng 87 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe ô tô còn thấp (15 xe/1.000 người), tốc độ phát triển GDP nhanh, nên Việt Nam là thị trường nhỏ so với thế giới nhưng đầy tiềm năng và rất năng động.

KTĐT - Việt Nam có dân số khoảng 87 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe ô tô còn thấp (15 xe/1.000 người), tốc độ phát triển GDP nhanh, nên Việt Nam là thị trường nhỏ so với thế giới nhưng đầy tiềm năng và rất năng động.

Tại cuộc họp nhóm về hợp tác công nghiệp ô tô các nước ASEAN (AMEICC - WG AI) lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược trên cơ sở hợp tác với các hãng xe lớn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhận định, Việt Nam phát triển công nghiệp ô tô trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chậm so với các nước trong khu vực, do vậy về quy mô, công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ bé so với nhu cầu hiện tại.

Việt Nam có dân số khoảng 87 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe ô tô còn thấp (15 xe/1.000 người), tốc độ phát triển GDP nhanh, nên Việt Nam là thị trường nhỏ so với thế giới nhưng đầy tiềm năng và rất năng động.

Bên cạnh đó, hội nhập khu vực và quốc tế đã đem lại cho Việt Nam cơ hội hợp tác, phân công lao động, hợp tác sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ tay nghề của công nhân và trình độ quản lý doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trở ngại như: Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, không đủ bãi đỗ xe; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; sự cạnh tranh gay gắt giữa xe nhập khẩu và lắp ráp tại Việt Nam;

Giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam cao hơn 2 lần so với xe cùng loại lắp ráp tại nước ngoài; Công nghiệp hỗ trợ còn yếu chưa phát triển nên thiếu các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện lắp ráp, khả năng sản xuất nội địa hóa còn thấp (khoảng trên 10% với xe du lịch cao cấp, 30 - 40% đối với xe thông dụng, xe tải, xe khách)…

Trong khi đó, theo lộ trình thực hiện AFTA thì đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực vào Việt Nam bằng 0, toàn khu vực là một thị trường thống nhất, bình đẳng.

Với những cơ hội thuận lợi và thách thức nói trên, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, có khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường khu vực và thế giới.

Trước mắt, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược trên cơ sở hợp tác với các hãng sản xuất xe lớn và với các nước trong AFTA để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô của khu vực và thế giới.