Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam tham dự Hội nghị bộ trưởng TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất mà các bộ trưởng phải quyết định tại hội nghị TPP lần này là vấn đề hàng hóa vì đó là lợi ích có thể nhìn thấy và tất cả các nước đều rất quan tâm.

Ngày 7/12, hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại Singapore với sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và quan chức cấp cao từ 12 nước.

Tại phiên họp toàn thể chiều 7/12, các bộ trưởng của Singapore, Canada và New Zealand cùng các trưởng đoàn đàm phán TPP của Chile, Nhật Bản, Australia, Brunei, Malaysia, Mexico, Peru, Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về tự do hóa thương mại về hàng hóa và thương mại điện tử.
Quang cảnh phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị bộ trưởng TPP ngày 7/12. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)
Quang cảnh phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị bộ trưởng TPP ngày 7/12. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)
Theo kế hoạch, trong các phiên họp toàn thể tiếp theo, đại diện các nước sẽ thảo luận những lĩnh vực chưa đạt được đồng thuận của các nước tham gia đàm phán.

Các lĩnh vực bao gồm tự do hóa thương mại về hàng hóa và dịch vụ, nông nghiệp, dệt may, đầu tư, dịch vụ tài chính, viễn thông, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, môi trường, lao động và quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài các phiên thảo luận chung, còn có nhiều cuộc họp song phương giữa các nước tham gia đàm phán.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất mà các bộ trưởng phải quyết định tại hội nghị TPP lần này là vấn đề hàng hóa vì đó là lợi ích có thể nhìn thấy và tất cả các nước đều rất quan tâm.

Đàm phán vấn đề hàng hóa đạt tiến bộ sẽ tạo đà để các nước đưa ra quyết định trong các lĩnh vực đàm phán còn lại.

Giáo sư Jane Kelsey thuộc Trường Đại học Auckland của New Zealand, cho rằng có nhiều vấn đề tranh cãi vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán, trong đó có những vấn đề quan trọng với Việt Nam như may mặc, doanh nghiệp nhà nước, môi trường và lao động.

Theo Giáo sư Jane Kelsey, hội nghị có thể đưa ra quyết định trong tuần này và kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch, 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ ký hiệp định vào cuối năm nay.

Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương.