Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn, đã tham dự các phiên thảo luận cấp cao và tiếp xúc song phương với các đối tác và quốc gia thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) như Mỹ, Nhật Bản, Australia... về các chủ đề chính của Hội nghị lần này. Các phiên thảo luận cấp cao của COP-17 tập trung đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng về một số vấn đề quan trọng của COP-17 giữa các nhóm nước như Nhóm các nước đang phát triển và Trung Quốc (G77 và Trung Quốc), Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các quốc gia châu Phi (GAF), Liên minh các quốc gia đảo nhỏ (AOSIS) và Nhóm các nước kém phát triển (LCDs)... Đặc biệt là xây dựng và cam kết về giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto, triển khai Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và cơ chế hoạt động cụ thể của các Ủy ban chuyển đổi, Ủy ban thích ứng về biến đổi khí hậu, Ủy ban tài chính, Ủy ban các dự án chính về biến đổi khí hậu đã được Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP-16) tại thành phố Cancun (Mexico) đã nhất trí. Hiện nay, quan điểm của các bên tại các cuộc thương lượng vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu khả quan. Một số vấn đề quan trọng liên quan đến biện pháp ứng phó cần thiết đối với tình trạng biến đổi khí hậu như Tầm nhìn hợp tác dài hạn về chống biến đổi khí hậu có thể đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị Durban lần này. Đặc biệt, nếu các nước tham gia COP-17 thông qua quy chế hoạt động của Quỹ Khí hậu xanh, thì đây sẽ là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở riêng, quy định về đóng góp tài chính của các thành viên nhằm thúc đẩy, mở rộng các biện pháp, hoạt động nghiệp vụ về chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tới. Trong vòng thảo luận cấp chuyên viên của COP-17, EU đã kêu gọi thiết lập khung pháp lý toàn diện mới về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và sẽ hoàn thiện vào năm 2015. Ngoài ra, EU cũng cam kết tham gia huy động 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ lộ trình và các giải pháp cần thiết về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và Quỹ Khí hậu xanh, dự kiến bắt đầu từ năm 2020. Trong khi đó, nhóm các nước châu Phi, G-77 và Trung Quốc, Liên minh các quốc gia đảo nhỏ (AOSIS) và nhóm các nước kém phát triển (LCDs) lại muốn sớm thông qua giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, hiện các bên vẫn còn tranh cãi về những cam kết trách nhiệm, tài chính, tính toàn diện của các khuôn khổ pháp lý mới./.