Kinhtedothi - Năm 2013, có thể nói là năm thành công rực rỡ của ngoại giao Việt Nam. Theo đó, ngoài những hoạt động ngoại giao trong nước, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.
Nhân dịp này phóng viên phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc về sự tham gia của Việt Nam vào diễn đàn đa phương năm 2013 và những nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2014.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết trong năm 2013 vừa qua, chúng ta đã tham gia, đóng góp như thế nào vào các hoạt động tại các diễn đàn đa phương?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong những năm sau đó, ngoại giao đa phương đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc thống nhất, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ các cuộc đấu tranh ngoại giao trong đàm phán nhiều bên của Hội nghị Geneva đến Hội nghị Paris, rồi đến quá trình tham gia Liên hợp quốc từ năm 1977, ngoại giao đa phương Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ.
Tiếp nối truyền thống đó, chúng ta đang tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam trong năm 2013 đã diễn ra hết sức sôi động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Về duy trì môi trường hoà bình và ổn định, ngoại giao đa phương đã phát huy đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, yêu chuộng hoà bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam ở các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực vào việc giảm căng thẳng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở các khu vực trên thế giới.
Hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước ta tại các diễn đàn đa phương đã thể hiện vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 tháng 9/2013 về “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” và việc Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chung về hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ trương giải quyết hòa bình các xung đột trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế... đã được các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao. Tại Đối thoại Shangri-La, Singapore tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã chính thức công bố việc Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Quyết định này khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ về duy trì hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, ta luôn chú trọng bảo vệ các lợi ích thiết thân của mình, nhất là trên các vấn đề an ninh, chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền. Ta đã chủ động, có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chung vì quyền con người trên trường quốc tế, đã được ghi nhận và bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu). Trong năm 2013, ta đã tiến hành đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tăng cường sự hiểu biết, qua đó giảm thiểu và vô hiệu hóa những nỗ lực muốn lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền để chống phá ta. Tại các diễn đàn đa phương, ta tiếp tục đấu tranh ngoại giao kịp thời khẳng định và giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển; tranh thủ sự ủng hộ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Đại diện các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (Ảnh: VGP)
|