Nêu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay với đa số lao động giản đơn, lao động kỹ thuật cao còn ít. "Chúng ta đang coi trọng làm phần ngọn mà chưa quan tâm đến gốc, tức là mở ra quá nhiều các trường đại học, trong khi đó các trường mầm non vừa thiếu, vừa không được quan tâm đúng mức. Tôi đề nghị Nhà nước phải có trách nhiệm với ngành học này vì mầm non là bậc học đầu tiên, là gốc, là nền móng của cả một công trình", ông Thịnh bày tỏ. Theo ông, nếu không được quan tâm hơn hẳn các bậc học khác thì chí ít mầm non cũng phải bằng bậc tiểu học và trung học cơ sở. Nghĩa là địa phương lo trường, lớp có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chương trình kiên cố hóa trường lớp. Còn Nhà nước phải lo đội ngũ giáo viên, thiết bị giảng dạy và vui chơi của trẻ. Việc này có thể thực hiện theo phương thức xã hội hóa.
"Có như vậy đội ngũ giáo viên mầm non mới yên tâm công tác, chất lượng đào tạo mới được đảm bảo và 10-15 năm nữa chúng ta sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu", đại biểu Thịnh tin tưởng. Cùng sự băn khoăn về giáo dục mầm non, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) góp ý, để phát triển hệ đào tạo này, đòi hỏi trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương. Họ phải thực sự quan tâm quy hoạch và có chính sách đầu tư thích hợp. Như vậy mới sớm xóa dứt điểm hiện tượng thiếu trường mầm non ở các đô thị và địa phương có nhu cầu. "Cần xây dựng xã hội học tập và đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời ngay từ tuổi mầm non. Chúng ta khó có thể có trường đại học và dạy nghề đạt chuẩn quốc gia và quốc tế khi mà trường mầm non còn thiếu và chưa đủ chuẩn", bà Hà nhấn mạnh. Thực hiện các nghiên cứu và tìm hiểu về não bộ trẻ, TS Phạm Mai Chi (Viện nghiên cứu phát triển trẻ thông minh sớm) cho biết, tiềm năng của một đứa trẻ được xác định trong những năm đầu, từ những giây phút đầu tiên của cuộc sống đến những năm tháng trong chăm sóc ở gia đình và cơ sở nuôi dạy trẻ. Đây là thời kỳ hứa hẹn về tương lai của chúng. Bà Mai Chi thông tin, một nửa sự phát triển quan trọng của não bộ ở đứa trẻ được hoàn thành vào thời điểm nó bắt đầu học mẫu giáo. Trẻ em có các mạch thần kinh nếu không được kích thích trước khi học mẫu giáo thì chúng sẽ không bao giờ có được sự thông minh đáng có. "Từ 0-6 tuổi là thời kỳ vàng, cửa sổ của các cơ hội giáo dục khai mở tiềm năng", bà Chi khẳng định và dẫn chứng, nếu trẻ sơ sinh không được ở cùng mẹ thì chỉ nửa năm sau nó mất đi cảm giác thân mật, gần gũi với mẹ.
Thời kỳ tốt nhất để phát triển sự gắn bó về mặt xã hội và tiếng nói của trẻ là trước 2 tuổi, nhận biết chữ là trước 3 tuổi và học đếm là trước 4 tuổi. Tiến sĩ Mai Chi cho hay bộ não trẻ ngay từ sơ sinh đã có những tiềm năng đáng kinh ngạc: lúc mới sinh trọng lượng não bằng 25% não người trưởng thành, 9 tháng tuổi gấp đôi so với não sơ sinh, 3 tuổi gấp 4 lần lúc mới sinh và 6 tuổi hầu như hoàn thiện về cấu trúc. 0-6 tuổi là giai đoạn tốt nhất để phát triển trí tuệ. Nếu để lỡ thì về sau sẽ mất nhiều công sức dạy dỗ mà thành quả thu về rất ít. Bà dẫn chứng, A.Makarenko từng dự đoán: “Nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 5 tuổi, nó chiếm 90% cả quá trình giáo dục”. Thực chất, đó là giáo dục khai phá và phát triển tiềm năng của con người. "Việc hiện đại hóa giáo dục mầm non cần bắt đầu từ sớm, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng tố chất cho trẻ trước 3 tuổi", tiến sĩ Mai Chi đề xuất.