Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam vượt qua khủng hoảng tương đối tốt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) vừa công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương,

KTĐT - Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) vừa công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó phần về Việt Nam nêu rõ Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy thoái kinh tế toàn cầu tương đối tốt.

           
Báo cáo của WB cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Giá cả quốc tế đối với các loại hàng hóa đang trên xu hướng sụt giảm kể từ quý 3 của năm 2008, các đơn xuất khẩu đối với hàng may mặc và các sản phẩm công nghiệp khác đã sụt giảm hoàn toàn trong quý 4/2008 và lĩnh vực sản xuất cũng đã chậm lại. Tác động của cuộc khủng hoảng rất rõ nét trong quý đầu tiên của năm 2009, khi mà tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đã có các dấu hiệu tích cực của sự phục hồi do kết quả các nỗ lực của chính phủ hỗ trợ các họat động kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã thông báo gói kích thích kinh tế, mà bao gồm nhiều biện pháp khác nhau như trợ cấp tỷ lệ lãi suất, giảm thuế, cho đến chi tiêu vốn bổ sung. Kết quả là GDP tăng trưởng 4,5% trong quý 2 và 5,8% trong quý 3. Tăng trưởng GDP thực tế hàng năm trong giai đoạn từ tháng Giêng – đến tháng Chín là 4,6%. Trong khi lĩnh vực sản xuất vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do nhu cầu sụt giảm, lĩnh vực xây dựng đang là nhân tố dẫn đầu của sự phục hồi, với giá trị gia tăng trong lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong cả năm 2009. Tiêu thụ nội địa cũng là một nhân tố quan trọng của tiến trình phục hồi, với việc bán lẻ tăng 9,3% trong giai đoạn từ tháng Giêng- tháng Tám so với cùng kỳ năm trước. WB cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức 5,5% trong cả năm 2009.

           
Báo cáo cũng cho rằng sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã có tác động to lớn đến lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu đã giảm với tỷ lệ năm là 14,2% tính bằng đồng USD. Doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm ở hầu hết các mặt hàng và hầu hết các thị trường truyền thống của Việt Nam. Thâm hụt tài chính dự kiến cũng sẽ tăng lên tới mức tương đương 9,4% GDP của năm 2009, phản ánh sự sụt giảm về nguồn thu và tăng mạnh chi tiêu. Nguồn thu dự kiến sẽ suy giảm cùng với sự suy giảm trong họat động kinh tế, giá dầu thấp hơn và các biện pháp cắt giảm thuế trong các gói kích thích kinh tế.

           
Báo cáo nhận xét: Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng đáng kể để hỗ trợ các nhu cầu trong nước sau một thời kỳ thắt chặt trong năm 2008 để giải quyết tình trạng phát triển quá nóng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm một nửa lãi suất của mình xuống còn 7% trong giai đoạn từ giữa năm 2008 đến tháng 2/2009. Việc cắt giảm lãi suất theo chính sách, cùng với sự trợ cấp lãi suất, đã dẫn đến sự tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Các chỉ số định lượng về chất lượng các danh mục đầu tư của ngân hàng cho thấy các khoản nợ không họat động (NPLs) đang gia tăng. Lãi suất thấp cũng gây khó khăn cho chính quyền để phát hành trái phiếu, và đi kèm với nó là sự chần chừ của các nhà xuất khẩu trong việc bán ngoại tệ của họ. Nhận thức được những nguy cơ mới nổi của nới lỏng chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã yêu cầu các ngân hàng thương mại lớn nhất giữ tốc độ tăng trưởng cho vay ở mức 25% trong năm nay.

           
Về cuộc chiến chống đói nghèo, báo cáo viết: Mức độ nghèo đói ở Việt Nam tiếp tục giảm xuống, bất chấp sự tăng mạnh về giá cả lương thực và nhiên liệu trong nửa đầu năm 2008, và tiếp theo là sự tăng trưởng chậm chạp trong nửa cuối năm 2008 và trong năm 2009. Trong khi tỷ lệ đói nghèo nhìn chung giảm đi, sự bất ổn kinh tế trong hai năm qua đã cho thấy một lọat những sự dễ tổn thương mới và những thách thức tiếp diễn. Phương pháp đánh giá đói nghèo có sự tham gia của cộng đồng (PPA) được tiến hành vào đầu năm 2008 ở các cộng đồng khu vực nông thôn đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể gần đây của Việt Nam trong việc phát triển nông thôn. Những người được khảo sát trong PPA đã lưu ý đến những cải thiện đáng kể về hạ tầng cơ sở nông thôn, sự tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ, sản lượng nông nghiệp gia tăng ở nhiêu vùng và có nhiều cơ hội hơn để đa dạng hóa các nguồn thu nhập ở nông thôn. PPA và các nghiên cứu có liên quan cũng đã cho thấy một sự tiến bộ chậm ở các vùng nghèo hơn với sự tập trung cao của các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các đánh giá nhanh về các tác động xã hội của cuộc khủng hoảng tài chính tiến hàng trong tháng 2 và tháng 4/2009 đã cho thấy những vấn đề dễ tổn thương gia tăng đối với các nhóm dân số cụ thể, bao gồm số lượng cao các lao động di cư, nhân công ở các khu vực không chính thức và các doanh nghiệp cá thể. Đầu tư lớn hơn và hiệu quả hơn vào giáo dục và đào tạo lực lượng lao động tương lai của Việt Nam sẽ giúp giảm bớt những điểm yếu này.

           
Đánh giá chung về tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, WB nhận định: Sự phục hồi của khu vực Đông Á khỏi cơn suy thoái kinh tế đã diễn ra một cách nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Chương trình kích thích tiền tệ và tài chính được thực hiện mạnh mẽ và đúng lúc ở hầu hết các nước Đông Á, cùng với các biện pháp mang tính quyết định ở các nền kinh tế phát triển nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính và tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế. Những nhân tố này đã khiến WB điều chỉnh dự đoán về tăng trưởng GDP thực tế ở khu vực Đông Á đang phát triển tăng thêm 1,3% so với dự đoán trước đó vào tháng 4/2009. Nhìn chung, tăng trưởng GDP thực tế dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% trong năm 2009 so với mức 8% của năm 2008.


Cuộc khủng hoảng đã buộc các nước trong khu vực phải tính toán lại chiến lược phát triển của họ. Các chính phủ đang nhận ra rằng sự tăng trưởng hơn có thể xuất phát từ nhu cầu trong nước. Một số chính phủ đang xem xét lại cách quản lý rủi ro bắt nguồn từ luồng vốn lớn và ổn định, đặc biệt trong bối cảnh các quan ngại về những cơn bong bóng giá mới.

           
Viễn cảnh khu vực đối với việc củng cố sự tăng trưởng thành sự phục hồi kinh tế và quay trở lại xu hướng tăng trưởng nhanh đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Những nguy cơ bề nổi bao gồm sự sụt giảm gấp đôi đối với các họat động kinh tế ở những nước phát triển khi mà các biện pháp kích thích tăng trưởng chấm dứt. Điều này sẽ thách thức nhiều nước Đông Á, những nước có không gian tài chính hạn hẹp để tiếp tục tài trợ cho các chương trình kích thích tài chính mà không có sự hỗ trợ của bên ngoài./.