Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt - Pháp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande (5 – 7/9) đã kết thúc tốt đẹp không chỉ khẳng định, quan hệ 2 nước Pháp – Việt vẫn bền chặt, bất chấp những “khúc mắc” trong quá khứ. Đồng thời cho thấy nhiều tiềm năng giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia.

Tăng lợi ích về kinh tế

Là vị Tổng thống Pháp thứ 3 sang thăm Việt Nam, sau các chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand và Tổng thống Jacques Chirac (các năm 1997 và 2004), chuyến thăm lần này của ông Francois Hollande là một tín hiệu tốt cho quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai của 2 quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Về tương lai mà 2 nước đang hướng tới, ông Hollande cho rằng, cả Pháp và Việt Nam đều phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là hòa bình và sự ổn định. “Tôi tin rằng chuyến thăm sẽ kết nối quá khứ và tương lai, tạo đà phát triển cho 2 nước” - Tổng thống Francois Hollande khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp François Hollande chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua máy bay A321-neo của VietJet Air. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp François Hollande chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua máy bay A321-neo của VietJet Air. Ảnh: Phạm Hùng
Trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo Việt Nam và Pháp đã nhất trí khuyến khích DN 2 nước hướng tới tăng cường các đối tác kinh tế, công nghiệp trên cơ sở chuyển giao công nghệ và đôi bên cùng có lợi. Trong đó, Việt Nam - Pháp sẽ đặc biệt chú trọng đến các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, hàng không, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, y tế, môi trường... Đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng, chú trọng triển khai đối thoại chiến lược về quốc phòng, hợp tác trang thiết bị, quân y, thăm viếng tàu quân sự.

Thông qua chuyến thăm này, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích khi tăng cường trao đổi kinh tế với cường quốc châu Âu như Pháp, trong bối cảnh Paris đang dành sự quan tâm lớn tới sự tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam được Tổng thống Pháp đánh giá là quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất khả quan. Cá nhân Tổng thống Hollande khẳng định sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế, tăng cường sự hiện diện của các DN tại thị trường Việt Nam. Để các DN có thể tham gia nhiều hơn vào thị phần ở cả 2 quốc gia. Tổng thống Pháp mong muốn, trong quá trình phát triển tốt đẹp này của Việt Nam, tất cả các công nghệ tiên tiến của Pháp có thể được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Hơn 300 DN Pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau đã đến Việt Nam, từ lương thực, thực phẩm cho đến các ngành công nghệ tiên tiến. Trên thực tế, trong chuyến thăm lần này, 2 nước đã ký kết 16 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực tương trợ tư pháp, dẫn độ, hợp tác tư pháp, đào tạo cán bộ, nông nghiệp, giảng dạy tiếng Pháp, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đặc biệt là việc các hãng hàng không Việt Nam đạt được thỏa thuận mua 40 chiếc máy bay của hãng hàng không Airbus (Pháp) với trị giá 6,5 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Pháp là đối tác thương mại Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italia). Nhiều chuyên gia nhận định, điểm lạc quan lớn nhất trong quan hệ kinh tế Việt - Pháp từ trước đến nay là hoạt động thương mại. Số liệu của Đại sứ quán Pháp cho hay, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2014 - 2015 (khoảng 85,3%), đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN. Cơ quan này cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam, có hiệu lực vào năm 2018, sẽ tạo nên những cơ hội hợp tác mới cho DN 2 nước. Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan vào triển vọng hợp tác của DN 2 nước. Theo đó, trao đổi thương mại 2 chiều năm 2015 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pháp đạt 2,9 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp tăng 10% so với năm 2014, đạt 1,3 tỷ USD. Tính đến tháng 10/2015, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 16 trong tổng số 105 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 448 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,4 tỷ USD.

Một chủ đề hấp dẫn và không kém phần quan trọng được đưa ra trong chuyến thăm lần này là vấn đề khởi nghiệp. Theo đó, Tổng thống Pháp đã cam kết sẽ hỗ trợ DN công nghệ cao đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các DN khởi nghiệp, góp phần tạo nên hướng mới trong hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Được biết, Công ty Linkbynet của Pháp – DN tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây đã chọn Việt Nam để thành lập chi nhánh từ năm 2014, thay vì Trung Quốc hay các quốc gia khác tại châu Á. Linkbynet là thành viên của French Tech Viet - cộng đồng các DN khởi nghiệp Pháp tại Việt Nam. Trong chuyến thăm, cộng đồng này đã nhận được cam kết hỗ trợ của Tổng thống Pháp trong việc nhận được chứng chỉ thành viên chính thức của mạng lưới French Tech toàn cầu. Theo kế hoạch, việc cấp chứng chỉ này sẽ được thực hiện vào giữa tháng 10. Như vậy, French Tech Viet sẽ trở thành trung tâm công nghệ Pháp đầu tiên tại Đông Nam Á nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Pháp. Đây sẽ là “cú hích” lớn cho cộng đồng khởi nghiệp với hơn 1.500 thành viên tham gia, trong đó có hơn 120 công ty và một số chủ DN nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam.

Hiệu quả cao về ngoại giao

Được giới chức Pháp nhận định là nền kinh tế quan trọng bậc nhất Đông Nam Á nên chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande được dư luận Pháp và quốc tế đặc biệt quan tâm. Các nhà bình luận của tờ Le Point, mục đích của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, đồng thời tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa và Pháp ngữ. Tờ báo uy tín này của Pháp cũng đưa đậm nét về thỏa thuận mua máy bay Airbus của Việt Nam như một minh chứng cho thành công trong hợp tác kinh tế song phương.

Ngoài ra, với tiêu đề “Tổng thống Hollande dừng chân ở Việt Nam - đất nước tự cường, mạnh mẽ” - tờ Les Echos (Pháp) khẳng định, Hà Nội đã trở thành một điểm đến ưa thích cho các nhà đầu tư quốc tế nên không ngạc nhiên khi ông Hollande chọn nơi đây là điểm dừng chân sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Bên cạnh việc đưa tin về chuyến thăm, giới truyền thông quốc tế cũng đặc biệt đưa ra những phân tích rất kỹ về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Pháp. Với tiêu đề “Tại sao Tổng thống Francois Hollande thăm Việt Nam?” trên tờ Huffing Post đã phân tích rất kỹ. Trong đó, nhấn mạnh chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh 2 nước có lịch sử lâu đời, từng xung đột và đau đớn, nhưng nay cùng nhau tiến bước, đổi mới, hợp tác. Bài báo cũng khẳng định, Chính phủ Pháp muốn giữ những mối liên hệ tuyệt vời với Việt Nam – một trong những quốc gia hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù giữa Việt Nam và Pháp còn tồn tại không ít vướng mắc lịch sử nhưng Tổng thống Hollande khẳng định, điều này không cản trở 2 nước đến với nhau. Pháp đã tham gia trong quá trình chuyển mình để Việt Nam thành một đất nước vững mạnh, phát triển như ngày nay.
Tổng thống Francois Hollande cam kết Pháp sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) như những năm qua để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế mới, ngoài các lĩnh vực sản xuất truyền thống như gạo. Đồng thời, sát cánh với Việt Nam đẩy mạnh các công nghệ tiên tiến, quan tâm tới đào tạo và sẵn sàng hỗ trợ phát triển về lĩnh vực công nghệ mới, đô thị bền vững…