Những dấu ấn đậm
Trong "làng"viễn thông Việt
Với phương châm đột phá nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng, đến nay, các đơn vị của tập đoàn đã nghiên cứu, chế tạo được nhiều thiết bị thông tin viễn thông, hiện đại, có cái đạt đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu quân đội và phát triển kinh tế đất nước. Hơn chục năm trước, có những thiết bị thông tin chúng ta phải nhập ngoại, tốn kém hàng triệu đô la Mỹ. Lúc đó, có chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, hàng chục năm nữa Việt Nam cũng không sản xuất được. Vậy mà chưa đầy 2 năm sau, Viettel không chỉ chế tạo thành công thiết bị này, mà còn hiện đại và gọn hơn, giá rẻ và tiện lợi sử dụng gấp nhiều lần. Kết quả này là vô giá, bởi nó tạo đà cho tập đoàn nghiên cứu, chế tạo ra những thiết bị hiện đại đặc chủng, phục vụ quốc phòng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thăm Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Ảnh: Kim Toàn
Thành tựu nổi bật nữa của Viettel là tốc độ tăng trưởng. Năm 2000, tổng giá trị tài sản của Viettel vẻn vẹn có 2,3 tỷ đồng, đến năm 2012 nâng lên 95.600 tỷ đồng, gấp 41.500 lần; doanh thu và lợi nhuận từ chỗ 53,7 tỷ đồng và 1,25 tỷ đồng năm 2000, thì năm 2012 tập đoàn đạt doanh thu 141.000 tỷ đồng, tăng 2.600 lần; lợi nhuận trước thuế là 27.500 tỷ đồng, tăng 22.000… lần! Một con số tăng trưởng hiếm có trong lịch sử kinh tế Việt
Đồng hành cùng Thủ đô phát triển
Trong lần tiếp và làm việc với đoàn công tác TP Hà Nội, Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, để có sự trưởng thành như hôm nay, đơn vị đã luôn nhận được sự ủng hộ quan tâm của lãnh đạo TP và các cấp, các ngành của Hà Nội.
Trong tiến trình hiện đại hóa Thủ đô, Viettel đặt nhiều dấu ấn trên các công trình trọng điểm của Hà Nội. Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, tập đoàn đã đầu tư 27 tỷ đồng, thực hiện ngầm hóa 21,9km 4 tuyến phố: Giảng Võ - Láng Hạ; Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Cầu Giấy - Xuân Thủy; hoàn thành đầu tư 6.000km cáp quang, 2.770 thuê bao internet trường học, 2.000 trạm phát sóng 2G/3G cùng hàng triệu thuê bao điện thoại… Nhiều năm qua, Viettel còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Thủ đô, trong 5 năm (2008 - 2012), đã nộp cho ngân sách TP 31.719 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 8.569 tỷ đồng; năm 2013, dự kiến là 10.391 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá rất cao về những thành tựu và đóng góp của Viettel vào sự phát triển TP; đồng thời khẳng định, thành công của tập đoàn không chỉ đóng góp lớn ngân sách cho Nhà nước và TP mà còn thể hiện tầm vóc trí tuệ của con người Việt Nam trên trường quốc tế. Chủ tịch cho biết, Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất nước và đang hướng tới nền kinh tế tri thức… trong đó tăng cường ứng dụng CNTT trong chiến lược xây dựng chính quyền điện tử, quản lý đô thị và đầu tư phát triển mạng viễn thông tiến tiến, hiện đại để xứng với tầm vóc của Thủ đô... Trên tinh thần đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chính thức đề nghị hợp tác với Viettel thực hiện mục tiêu trên.
Quyết tâm trên của người đứng đầu TP đã mang lại cho lãnh đạo Tập đoàn Viettel một cảm nhận đầy phấn chấn. Với lợi thế đang sở hữu mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật rộng lớn, nguồn lực con người và có nguồn tài chính dồi dào, Viettel khẳng định, sẵn sàng ứng cả ngàn tỷ đồng đầu tư, chuyển giao các hạng mục phát triển bưu chính viễn thông trên địa bàn, với tinh thần đồng hành cùng Hà Nội để góp phần xây dựng phát triển Thủ đô hiện đại văn minh.