Viettel thắng lớn ở thị trường ngoại

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp khó khăn do Covid-19 mang lại, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội không chỉ đạt được tăng trưởng về doanh thu mà còn thể hiện rõ ràng được trách nhiệm của mình với xã hội khi có hàng loạt các ứng dụng công nghệ đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Viettel còn thể hiện ở mảng đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng trong khó khăn
Có thể nói 6 tháng đầu 2021 là quãng thời gian vô cùng khó khăn với toàn bộ các DN Việt do ảnh hưởng dữ dội từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo số liệu từ Viettel, trong 6 tháng đầu năm 2021, tập đoàn này có doanh thu đạt 128,6 nghìn tỷ, tăng 6,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Covid-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh doanh của Viettel, từ đầu năm đã có tới 80% điểm bán tại Hà Nội và 95% điểm bán tại TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không chỉ vậy, thuê bao di động còn suy giảm mạnh do người dân giảm bớt số lượng sim và tiêu dùng viễn thông.

Để giải quyết tình trạng trên, Viettel đã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như ứng dụng tối đa công nghệ để thúc đẩy kinh doanh và chăm sóc khách hàng trên các kênh trực tuyến. Tập đoàn đã tập trung triển khai hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới, áp dụng công nghệ tự động kiểm soát, tự tối ưu chất lượng từng cuộc gọi, tự phân tích nguyên nhân lỗi, đưa ra giải pháp cho 70% cuộc gọi/phiên với độ chính xác 85 - 90%. Số cuộc rớt, tồi giảm 10 lần. Các ứng dụng công nghệ cũng giúp 95% khách hàng có thể tự chăm sóc, tự phục vụ các yêu cầu của mình mà không cần đến cửa hàng giao dịch.
 Movitel là mạng viễn thông duy nhất ở Mozambique đưa cáp quang về 100% huyện ở khu vực nông thôn.
Không chỉ giữ vững ngôi vị nhà mạng số 1 Việt Nam, Viettel hiện cũng đã hoàn thành chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025 cho một mảng kinh doanh khác của mình khi đưa công ty con Viettel Post trở thành DN Logistics số 1 Việt Nam. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Viettel Post đã triển khai robot tự động giúp tiết kiệm 91% sức lao động, giảm toàn trình kết nối bưu phẩm lên tới 6 giờ, chuyển đổi số cùng người dân thông qua sàn thương mại điện tử Voso.vn, xuất khẩu thành công 3 tấn vải thiều sang Đức, tạo bước tiến quan trọng đối với ngành thương mại điện tử trong việc đưa nông sản chất lượng cao sang EU.

Nhờ đó, trong nửa đầu 2021, Viettel Post đã có doanh thu thuần hợp nhất đạt 10.351 tỷ đồng, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 268,5 tỷ đồng, tăng 7%. Lãi ròng tăng 7,2% so với những gì mà DN này đã thực hiện trong nửa đầu năm 2020 lên mức hơn 214 tỷ đồng.

Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Viettel còn thể hiện ở mảng đầu tư nước ngoài. Theo đó, lũy kế nửa đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất và lãi gộp của Viettel Global lần lượt đạt 9.887,8 tỷ đồng và 4.062,4 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn bộ các thị trường của Viettel Global tại khu vực châu Phi và châu Mỹ Latin tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Cụ thể, tại châu Phi: Halotel tại Tanzania tăng 33%, Lumitel tại Burundi tăng 24%, Movitel tại Mozabique tăng 45%; tại châu Mỹ Latinh: Natcom tại Haiti tăng 17%. Hiện tại DN này vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu trong mảng viễn thông tại Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Thị trường Myanmar đã tiến gần đến vị trí số 1 với 30,8% thị phần.

Về 5G, hiện Viettel cũng đang là nhà mạng đi đầu khi đã chính thức phát sóng tại 5 tỉnh thành lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh và Bình Phước, đồng thời có kế hoạch mở rộng thử nghiệm công nghệ mạng mới này 15 địa phương khác ngay trong 2021.

Bên cạnh những kết quả kinh doanh tích cực, Viettel cũng đang là nhà mạng chủ lực trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, an ninh mạng, tiên phong kiến tạo xã hội số. Đi đầu trong công tác nghiên cứu ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, viễn thám, công nghiệp. Hiện Viettel đang sở hữu 2 phòng thí nghiệm Innovation Lab hiện đại nhất Đông Nam Á chuyên nghiên cứu các công nghệ 4.0.

Trách nhiệm trong đại dịch

Nói về vai trò của Tập đoàn trong thời đại dịch, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng khẳng định: Chúng tôi hiểu rằng phải chiến thắng đại dịch thì DN mới có thể hoạt động trở lại bình thường. Việc đẩy lùi dịch bệnh càng sớm sẽ mang đến sự ổn định sớm cho các DN đồng thời giúp cho nền kinh tế của đất nước phục hồi và phát triển. Là DN chủ lực của đất nước, Viettel cam kết sẽ vừa đóng góp các giải pháp công nghệ vừa đi đầu trong việc đóng góp tài chính, quyết tâm cùng Chính phủ chống dịch.

Để cụ thể hóa lời khẳng định trên, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, với thế mạnh là DN công nghệ, Viettel đã đưa ra nhiều ứng dụng công nghệ thực tế và hữu ích nhằm hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Nổi bật trong số này là Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2020. Tính đến tháng 8/2020, nền tảng này đã kết nối được hơn 30 bệnh viện trung ương với 100% cơ sở y tế tuyến huyện. Qua đó góp phần xóa bỏ giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Đến thời điểm hiện tại thông qua Telehealth đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức và nền tảng này cũng được nhiều chuyên gia trong ngành y tế đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sản phẩm khác của Viettel là Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, một trong 3 nền tảng công nghệ được Chính phủ yêu cầu dùng chung trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch. Với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, nền tảng này giúp bảo đảm mục tiêu kép, vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Ngoài ra, Viettel cũng đã liên tục đưa vào triển khai thực tế nhiều ứng dụng công nghệ khác như: Tờ khai y tế điện tử - Vietnam Health Declaration, Hệ thống giám sát Bệnh truyền nhiễm toàn quốc, Hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc, Tổng đài viên ảo giúp tư vấn về dịch… Cùng với đó là lắp đặt gần 4.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc.

Đối với người dùng viễn thông, từ 5/8, Viettel đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giá cước, đặc biệt là tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó người dùng sẽ được miễn phí 50 phút nội mạng, tăng dung lượng nhưng giảm giá gói cước data, tăng 2 lần băng thông internet cáp quang với giá không đổi...

"Ngay từ năm 2018, Viettel nhận thấy cần phải thay đổi bởi viễn thông truyền thống đang giảm sút, thế giới đã chuyển sang một hướng đi mới là dịch vụ số và rất nhiều công ty không phải viễn thông nhưng lại rất thành công. Viettel đã chuẩn bị rất nhiều, từ củng cố mạng lưới 4G - 5G, cáp quang cho đến triển khai các công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, IoT... Với những sự chuẩn bị như vậy, khi cú hích Covid đến cũng là lúc Viettel đã có cơ hội để triển khai toàn diện chuyển đổi số. Mình đã đi trước, mà cái gì đi trước được thì sẽ dẫn đầu."- Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần