Nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm), sinh năm 1928 tại Nam Định, sinh sống tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, trong một gia đình nghèo. Cuộc đời của bà Cầu nghèo khổ, đến lúc chết cuộc sống của bà cũng vẫn cơ cực như thế.
Gia đình bà là hộ nghèo nhất ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Từ thuở ấu thơ, bà đã theo cha mẹ đi "Khắp chợ cùng quê" hát rong kiếm sống. Chính tiếng đàn, khúc hát quê hương đã ngấm vào máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức của bà để sau này khi bà cất tiếng hát thì tiếng hát ấy là hồn quê, là nghĩa nước, là tình nhà, là tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật hát xẩm hun đúc mà thành.
Nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu.
Nhiều người đã nhận xét: Cách hát và chơi đàn của nghệ nhân Hà Thị Cầu vô cùng độc đáo và ở Việt Nam không có người thứ hai. Khi nghe bà hát, dường như không phải là bà hát mà nghệ nhân hát xẩm mượn bà để hát lên tiếng hát của chính mình. Trong cách hát xẩm của bà Cầu, không chỉ là đằm, sâu, mang đủ năm yếu tố vang, rền, nền, nẩy và tình.
Đặc biệt không chỉ ở cách hát: Buông hơi, nhả chữ, lấy hơi, luyến láy, đảo phách, rung ngân… mà đặc biệt còn ở tiếng nhị (Hồ gáo) thể hiện một cách thuần thục, điêu luyện.
Tuy không biết chữ, nhưng bà Cầu là người rất thông minh, bà thuộc hết các tích chuyện dân gian như: "Nhị Độ Mai", "Thoại Khanh Châu Tuấn", "Phạm Công Cúc Hoa", "Phạm Tải Ngọc Hoa"... đặc biệt là khúc hát về chàng Trương Chi đa tình mà giàu lòng tự trọng.
Nhiều năm qua, nghệ nhân, Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi dưỡng lão mà đi khắp mọi nơi để truyền bá nghệ thuật hát xẩm.
Rất nhiều các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp là học trò của bà. Mặc dù, chưa bao giờ là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng bà đã có cống hiến rất lớn trong việc giữ gìn, kế thừa và phát triển nghệ thuật hát xẩm độc đáo của dân tộc.
Ghi nhận những đóng góp không nhỏ của bà, năm 1993 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú, danh hiệu mà rất ít các nghệ sĩ không chuyên có được.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người đã nhiều năm gắn bó với bà: "Trước Tết (20 tháng Chạp), tôi, nhạc sĩ Giáng Son, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và một vài nghệ sĩ hát xẩm có về thăm bu (bà Cầu). Cụ ốm liệt giường, gần như không ăn uống được gì. Mấy ngày trước tôi gọi điện hỏi thăm cụ, được con gái cụ cho biết bệnh tình của cụ nặng hơn, cụ liệt và không nói được gì".
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long còn cho biết thêm, trước khi bị cấm khẩu, cụ có dặn con cháu khi cụ nằm xuống, hai cây đàn nhị đã đồng hành với cụ nhiều năm qua không được cho ai mà phải để treo hai bên bàn thờ.
Lễ viếng bà Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng ngày 4/3. Lễ an táng bà Hà Thị Cầu sẽ được tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).