Đó chính là khẳng định của Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính tại buổi họp báo về Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ I năm 2018, tại Hà Nội vào sáng nay (15/9).
Đô thị là then chốt trong nền kinh tế
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liên nhận định, chỉ trong 10 – 15 năm nữa thôi, thì sẽ có khoảng 50% dân số Việt Nam vào sống tại các đô thị. Như vậy sẽ đặt ra vấn đề cấp bách của công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phải đi trước một bước để làm sao có thể theo kịp với tốc độ đô thị hóa một cách nhanh chóng như hiện nay.
Bước vào thế kỷ 21, là thời điểm Việt Nam chứng kiến sự “bùng nổ” của các đô thị, với trên 800 đô thị các loại đã được hình thành, hệ thống đô thị quốc gia đã được Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, dịch vụ... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng đáp ứng với nhu cầu phát triển.
Nếu như vào năm 1998, tốc độ đô thị hóa trên cả nước mới đạt khoảng 24% thì đến năm 2017 đã tăng lên 37,5%, kiến trúc đô thị Việt Nam đã được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, diện mạo các vùng nông thôn cũng có nhiều thay đổi nhờ vào sự tác động lan tỏa của quá trình “đô thị hóa”.
Các đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chiếm tới trên 70% GDP đóng góp vào ngân sách nhà nước; bên cạnh đó các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở các khu vực đô thị tăng trung bình từ 12 – 15% cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với bình quân trung của cả nước.
Tôn vinh người làm công tác quy hoạch
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, theo số liệu thống kê sơ bộ hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người sẽ được chuyển dịch vào sinh sống tại các đô thị, với số lượng đó thì chúng ta cần khoảng trên 10 triệu m2 sàn nhà ở, cùng với đó là một loạt các hệ thống hạ tầng công cộng, hạ tầng xã hội khác phải được quy hoạch, thiết kế để đáp ứng với nhu cầu này. Trước những yêu cầu cấp bách đó, thì những người làm công tác quy hoạch ngày càng có vai trò quan trọng hơn.
“Để tạo động lực và tôn vinh những đóng góp to lớn của những kỹ sư, kiến trúc sư, nhà quản lý trong công tác quy hoạch – kiến trúc đô thị. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ tổ chức một Giải thưởng Quốc gia về Quy hoạch đô thị”. Ông Trần Ngọc Chính nói.
Năm 2018 sẽ là năm đầu tiên tổ chức giải thưởng này và dự kiến giải sẽ được trao 02 năm/lần. Giải thưởng sẽ trao trên cơ sở chấm điểm theo thang 100, dành cho những tác giả của những công trình mang đến những giải pháp tiên tiến, đột phá trong công tác quy hoạch, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, với tư duy và tính thẩm mỹ ngày càng cao. Đặc biệt là những công trình mang lại giá trị thiết thực, góp phần làm nâng cao đời sống của cộng đồng.
Trong cơ cấu 04 loại giải thưởng: Giải Đặc biệt, Giải Vàng, Giải Bạc và Giải Đồng, cũng sẽ tôn vinh những Nhà báo, Phóng viên có những bài viết, Phóng sự hay đi sâu, sát thực tế về công tác quy hoạch – kiến trúc, xây dựng.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là những đơn vị chủ trì tổ chức giải.