Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tối 7/11, Lễ công bố các doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu quốc gia (THQG) do Hội đồng THQG và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức đã diễn ra long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Đây là sự tôn vinh, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những sản phẩm, DN đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đóng góp lớn cho kinh tế đất nước

Chương trình THQG Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt năm 2003 được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Chương trình gồm ba nội dung chính: Giúp các DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các thương hiệu sản phẩm Việt Nam ở trong và ngoài nước; lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt THQG để hỗ trợ phát triển theo các giá trị mục tiêu của Chương trình là chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.

Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt THQG được tiến hành 2 năm một lần, trong đó chương trình năm 2012 đã thu hút trên 2.000 DN đăng ký tham gia. Sau quá trình sàng lọc, thẩm định thực tế, đồng thời qua sự đánh giá của người tiêu dùng, cuối cùng Chủ tịch Hội đồng THQG - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định công nhận các thương hiệu sản phẩm của 54 DN hàng đầu các ngành hàng đạt THQG năm 2012. Trong đó, có 37 DN đã đạt THQG năm 2010; 25 DN lần thứ 3 liên tiếp đạt THQG. Năm 2012, các THQG chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may - da giày; điện - điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông; đồ gỗ - gốm sứ - thủ công mỹ nghệ; đồ trang sức - kim hoàn - đá quý; dược phẩm - hóa mỹ phẩm; giấy - văn phòng phẩm - bao bì…

Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề - Ảnh 1

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP May 10. Ảnh: Việt Linh

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho biết: Thông qua Chương trình XTTM quốc gia, hàng trăm đề án hoạt động được phê duyệt và thực hiện hàng năm, góp phần tích cực giúp các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các hiệp hội ngành hàng tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và thế giới, mang tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, ngành hàng. Trong năm 2012, qua các hoạt động này, các DN đã ký kết được nhiều hợp đồng với giá trị gần 1 tỷ USD và doanh số bán hàng khoảng 1.228 tỷ đồng...

"Vương miện" không phải vĩnh viễn

“Năm 2013 còn nhiều khó khăn, mong các DN nỗ lực hơn trong nâng cao năng lực quản trị, phát huy thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, xúc tiến mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhất là đưa ra những sản phẩm có chất lượng, chứng minh với người tiêu dùng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, phải nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ để đi lên. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ đồng hành, coi việc phát triển thương hiệu là của cả đất nước, dân tộc, của các Chính phủ chứ không chỉ của riêng DN”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Năm qua chứng kiến sự chịu đựng kiên cường của giới DN trong cơn bão suy thoái kinh tế trong nước cũng như co hẹp thị trường xuất khẩu, song đa số DN tham gia chương trình THQG vẫn đạt mức tăng trưởng và phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cá biệt có DN tăng trưởng 207%, tiêu biểu như Công ty CP Nhựa Bình Minh, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, VIETTEL, HABECO, Kinh Đô… Riêng Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên phát động tinh thần kiến quốc để đạt doanh thu 1 tỷ USD trước năm 2016.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel, một DN đạt THQG trong lĩnh vực du lịch cho biết, đạt danh hiệu cao quý này vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn của đơn vị đối với nền kinh tế đất nước. Nhất là trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt hiện nay, DN càng phải phấn đấu nhiều hơn, linh hoạt tìm nhiều cách thức tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường... để giữ vững danh hiệu THQG đã được Nhà nước tin tưởng trao tặng.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều DN cũng khuyến nghị, Hội đồng THQG cần hoàn thiện "khung cứng" về các tiêu chí bình chọn nhưng cũng sẵn sàng mở rộng, điều chỉnh một cách linh hoạt đối với những DN thuộc những ngành đặc thù, với các thành tích hoặc hoàn cảnh riêng biệt. Trong đó, cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia nhất trí rằng, danh hiệu này tuy rất giá trị bởi nó xác nhận sự trưởng thành và thành đạt của DN nhưng không có nghĩa là danh hiệu vĩnh viễn. Trong trường hợp đơn vị không còn xứng đáng với "vương miện" THQG sẽ bị tước danh hiệu, để xác lập sự công bằng đồng thời dành cơ hội cho những nhân tố mới, tích cực hơn.

Dự báo diễn biến kinh tế năm 2013 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của chương trình THQG. Do đó, DN đang trông chờ sự hỗ trợ kịp thời và cả tâm huyết của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để họ sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, kiên trì hỗ trợ DN trong phát triển thương hiệu...

Sáng 7/1, tại buổi gặp mặt lãnh đạo 54 doanh nghiệp đạt giải thưởng "Thương hiệu quốc gia", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công thương cần tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tạo điều kiện về chính sách và nguồn lực cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước.