Ông Bernard Lapointe-Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt |
Tại báo cáo chiến lược tháng 10, Công ty chứng khoán Rồng Việt đã đưa ra nhận định cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất năm 2018 đã ở lại phía sau và thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, phản ứng của TTCK tuần này có vẻ lại không được tích cực như dự báo của Rồng Việt. Vì sao, thưa ông?
- Phản ứng của TTCK trong những phiên vừa qua là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố mà lo ngại về chiến tranh thương mại chỉ là một phần rất nhỏ. Nguyên nhân chính theo chúng tôi xuất phát từ thị trường Mỹ khi mà thị trường đã tăng trong suốt 9 năm liền. Hiện, lãi suất trái phiếu đang tăng cao hơn lợi tức cổ phiếu. Dẫn đến các nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu, hoặc ít nhất là bán cổ phiếu và giữ tiền mặt để tránh rủi ro. TTCK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung của thị trường thế giới.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, sau nửa đầu năm kém khả quan, các chỉ số chứng khoán cận biên và mới nổi đang cho thấy đà hồi phục. Và thị trường Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng này.
VN-Index hồi phục, tăng 24 điểm trong phiên cuối tuần Sau phiên lao dốc không phanh ngày 11/10, TTCK Việt Nam phiên cuối tuần (12/10) đã có những hồi phục tích cực. Chốt phiên, VN-Index tăng 24,19 điểm (2,56%) lên 970,08 điểm; HNX-Index tăng 2,58 điểm (2,41%) lên 109,76 điểm và Upcom-Index tăng 0,65 điểm (1,24%) lên 52,69 điểm. Số mã tăng điểm áp đảo hoàn toàn với 417 mã, trong khi số mã giảm điểm chỉ là 143. Thanh khoản toàn thị trường ở mức khá cao với giá trị khớp lệnh đạt 4.800 tỷ đồng. Trong đó, các cổ phiếu bluechips như GAS, VHM, VRE, VIC, VJC, BVH, MSN, MWG, PNJ…đều tăng khá mạnh giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc. |
Việc Việt Nam được Tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng là một tin hỗ trợ rất tích cực. Bên cạnh đó, thanh khoản dần tăng lên cũng sẽ kích thích những dòng tiền còn chần chờ đứng ngoài thị trường khi mà nhà đầu tư có tâm lý sợ bỏ lỡ sóng cuối năm. Tỷ giá sau khi tăng mạnh tháng trước đã bình ổn trở lại, lãi suất ngân hàng cũng không biến động mạnh. Như vậy, bức tranh tổng thể hiện đã bớt màu tiêu cực. Trên nền tảng đó, các thông tin kết quả kinh doanh quý 3 sẽ là yếu tố quyết định xu hướng. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa dựa theo kết quả kinh doanh này. Về mặt tổng thể, một kết quả tích cực sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng. Tuy nhiên, biên độ sẽ không lớn như đợt sóng hồi đầu năm.
Vậy, ông dự đoán thế nào về xu hướng TTCK thế giới và Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn?
- Thị trường Việt Nam sẽ ổn định trở lại, có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang. Mức mục tiêu của chúng tôi đối với VN- Index vẫn nằm trong khoảng 960 - 1.040 điểm. Chúng tôi tin rằng tháng 10, tháng 11 sẽ là thời điểm giải ngân phù hợp để tận dụng cơ hội dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay, kết quả của việc thị trường đã giảm giá quá mạnh trước đó.
Ông có lời khuyên nào với nhà đầu tư thời điểm này?
- Điều quan trọng mà nhà đầu tư cần ghi nhớ đó là thị trường không hồi phục ngay lập tức theo hình chữ V mà sẽ cần thời gian.
Theo ông, việc Việt Nam được Tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng tác động như thế nào đến thị trường trong nước?
- Chúng tôi cho rằng các cổ phiếu lớn có cơ hội vào rổ chỉ số FTSE Emerging sẽ được mua đón đầu hoạt động cơ cấu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Quá trình này sẽ diễn ra trước khi FTSE công bố danh sách các thị trường được nâng hạng (tháng 3/2020). Ngoài ra, việc được thêm vào danh mục theo dõi còn là động lực để các nhà làm chính sách tiếp tục cải thiện thị trường theo hướng tự do và minh bạch hơn.
Xin cảm ơn ông!