Như lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, “Những người con Hà Nội” nói về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội trong 60 ngày đêm mùa đông năm 1946. Đây là một tác phẩm có tầm vóc, mang đậm chất Hà Nội, từ đặc trưng phố xá cho tới con người. Kịch bản đặt hàng do tác giả Phạm Văn Quý viết lúc đầu có tên “Người Hà Nội”, nhưng khi đưa lên sàn tập, người dựng kịch quyết định đổi tên thành “Những người con Hà Nội”.
Câu chuyện kịch khai thác từ hiện thực lịch sử ấy không mới, nhưng dưới bàn tay đạo diễn của NSND Doãn Hoàng Giang – một trong những “ông thầy phù thủy cao tay” của sân khấu, người ta vẫn đầy hy vọng về một sản phẩm độc đáo và đặc biệt là đậm chất Hà Nội. Là bởi, ngoài những mảng miếng, kinh nghiệm tích lũy bao nhiêu năm, vị đạo diễn tuổi “bát thập” này đã gắn bó với Hà Nội từ thuở thiếu thời. Ông hiểu tường tận không chỉ tính cách người Hà Nội, mà còn cả những tiếng nói âm thầm bật lên từ mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Thế nên, Doãn Hoàng Giang đã chọn lối dựng vở về đề tài chiến tranh nhưng lột tả đến tận cùng nét hào hoa của người Hà Nội. Ông nói rằng, ông sẽ kỹ lưỡng “gọt rũa” từng câu thoại, từng cử chỉ của nhân vật trong vở kịch, cho đến trang phục, cách bài trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng, tiếng động… Bởi, như ông nói: “Không kỹ thì làm sao ra được “chất” Hà Nội - nơi mà bất cứ ai đến đây cũng sẽ được thuần hóa để trở thành người Hà Nội hào hoa, phong nhã”. Vị đạo diễn này sẽ đưa lên sàn gỗ cả lối tư duy dựng phim trong điện ảnh. Đấy là sự tiếp nối liên tục của các sự kiện, không có chuyển cảnh như thường thấy ở các vở kịch từ trước tới nay. Đặc biệt hơn cả là trong “Những người con Hà Nội” sẽ không “phân vai” rõ nét nhân vật chính và phụ, vì “Thời đó, các tầng lớp người Hà Nội đều xả thân, quyết tử cho Tổ quốc, từ những trí thức, bác sĩ, sinh viên, cho đến thằng bé bán vé số, thậm chí cả cô gái bán hoa… Khi Tổ quốc lâm nguy, người ta quên hết mọi chuyện, chỉ biết mình là người Hà Nội, chỉ biết phải đồng lòng bảo vệ Hà Nội” – Doãn Hoàng Giang chia sẻ. Chính vì thế, ông quyết định không khắc họa chân dung cá nhân mà chú ý đến “khối”, nghĩa là tổng thể sân khấu, toàn cảnh vở diễn. Và cũng chính vì thế, “Những người con Hà Nội” sẽ lên sân khấu với nhiều đại cảnh, chứ không phải những “tiểu cảnh” không gian đơn thuần như trong một gia đình hay một góc nhỏ cuộc sống. Đây là điều ít thấy trên sàn gỗ từ trước tới nay, nhưng đạo diễn Doãn Hoàng Giang quyết tâm thực hiện, và các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội thì tin tưởng hoàn toàn vào tài năng của ông.
Được biết, vở diễn huy động tới gần 100 nghệ sĩ, các diễn viên "gạo cội" của Nhà hát như Trung Hiếu, Thu Hà, Minh Hòa, Công Lý, Tiến Đạt… đều có mặt. Họ vào vai một cách đầy hào hứng và niềm tin, chờ đợi thời điểm vở kịch tầm cỡ cho Hà Nội ngày kỷ niệm 60 năm giải phóng nên hình hài. Một chút băn khoăn về thử nghiệm mới đọng lại nơi sàn tập, một chút lo âu liệu đại cảnh có làm vở diễn bị “loãng”… Câu trả lời sắp được “giải mã” bởi các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã hạ quyết tâm hoàn thành tốt vở diễn và sẽ cho ra mắt những ngày đầu tháng 8 tới. Phải nói rằng, dù hơi mạo hiểm nhưng với vở diễn này, “ngôi nhà” Kịch Hà Nội đã thêm lời khẳng định cách làm của mình trong cuộc chạy đua làm mới sân khấu phía Bắc: Làm vở nào chắc vở đó.
Diễn viên Quang Minh đóng vai Tèo - em bé đánh giày trong vở kịch “Những người con Hà Nội”.
|