Phùng Xá (Mỹ Đức) bên cạnh nông nghiệp, chăn nuôi, từ nhiều năm nay, nghề dệt khăn cũng khá phát triển. Chuyển từ sản xuất thủ công truyền thống sang sản xuất hàng hóa trên công nghệ máy móc mới, hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Phùng Xá có hơn 100 hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) với tổng cộng hơn 4 tỷ đồng, GQVL cho hàng nghìn lao động, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Diện mạo của làng nghề dệt Phùng Xá đã thực sự có những bước thay đổi với sự sầm uất của làng nghề thời mở cửa, những chiếc khăn hoa văn rực rỡ sắc màu, tiếng máy dệt rộn rã.
Bưởi Diễn là cây ăn quả đặc sản của xã Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Mặc dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, song vùng trồng bưởi Diễn ở phường Phú Diễn vẫn duy trì được diện tích ổn định. Hiện nay, toàn phường vẫn còn tới hơn 100 hộ duy trì trồng bưởi Diễn với diện tích hơn 20ha.
“Trước kia, gia đình tôi vay vốn chương trình hộ nghèo sau khi thoát nghèo lại được vay chương trình hộ cận nghèo. Bao nhiêu vốn, tôi đều tập trung mở rộng diện tích trồng bưởi. Đến nay, nhà tôi đã có hơn 10 sào trồng bưởi Diễn” - bà Vũ Thị Vấn, một trong những hộ được vay vốn từ NHCSXH chia sẻ. Theo ông Phí Văn Chân - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Diễn, những hộ trồng bưởi chủ yếu đầu tư vốn vay ưu đãi vào việc mua phân bón để chăm sóc. Ngoài các hộ trồng bưởi, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH còn giúp nhiều hộ dân trồng rau an toàn, làm dịch vụ…Tàm Xá (Đông Anh) hiện giờ đã có khoảng gần 300 hộ gia đình chuyên canh cây quất cảnh, thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm. Nghề quất “bén rễ” ở Tàm Xá khoảng từ 5 - 6 năm nay. Trước đây, trên vùng đất bãi này bà con chủ yếu trồng ngô, kinh tế rất khó khăn. Sau, người dân chuyển sang trồng quất, mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển sản xuất.
Ông Lê Phú Tình - Phó Chủ tịch UBND xã Tàm Xá chia sẻ, hiệu quả tích cực là tác dụng của nguồn vốn ưu đãi đối với công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề của xã đã đi đúng hướng. “Toàn xã có trên 200ha đất canh tác thì hiện nay có 1/3 diện tích trồng quất. Chúng tôi tự hào rằng, quất Tàm Xá giờ đã có “thương hiệu” mạnh, trở thành một địa chỉ cung cấp quất cho Thủ đô và các thị trường lân cận” - ông Tình cho biết.Năm 2016, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các NHCSXH huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH TP Hà Nội, chính quyền địa phương quận, huyện, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, triển khai các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.Đến 31/12/2016, tổng doanh số cho vay trên toàn địa bàn qua NHCSXH Hà Nội thực hiện ước đạt 2.500 tỷ đồng với trên 105.000 lượt khách hàng được vay vốn. Chi nhánh đã thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ ước đạt 5.620 tỷ đồng với trên 300.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 455 tỷ đồng so với năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt 8,8%, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2016. Kết quả hoạt động của NHCSXH Hà Nội luôn được các cấp lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá cao, xem đây là một công cụ hiệu quả, mạnh mẽ góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.