Kinhtedothi - Ngày 29/10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chính thức trình xin ý kiến Quốc hội về phương án đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.
164.589 tỷ đồng cho giai đoạn 1
Ông Đinh La Thăng cho rằng, việc đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành là cần thiết, nhằm hình thành và phát triển một cảng quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải. Toàn bộ Dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song có cấu hình đóng, nhằm chia sẻ sự quá tải cho CHKQT Tân Sơn Nhất (mở cửa vào năm 2023 - 2030).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TTXVN
|
Về tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn, ông Thăng khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng), chia ra phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư khoảng 5,662 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng). Về cơ cấu nguồn vốn, ông Thăng cho biết: “Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT… Về cơ bản, việc xác định nguồn vốn và giải pháp huy động vốn đã đáp ứng yêu cầu ở giai đoạn lập Báo cáo đầu tư". Bộ trưởng Bộ GTVT cũng hứa, việc xem xét ảnh hưởng của đầu tư Dự án đến tình hình nợ công sẽ được phân tích, đánh giá cụ thể ở bước lập dự án đầu tư. Vốn ngân sách Nhà nước chỉ sử dụng cho việc GPMB, xây dựng đài chỉ huy, kết nối giao thông khu vực sân bay… với dự kiến 24.082 tỷ đồng. Bộ GTVT kiến nghị cho phép Tổng Công ty Cảng Hàng không được sử dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa DN này và các công ty con để thực hiện việc GPMB, đền bù và tái định cư phân kỳ 1 với số tiền dự kiến 5.000 tỷ đồng. "Như vậy, số tiền ngân sách phải chi cho hoạt động này chỉ còn khoảng 6.000 tỷ đồng" - ông Thăng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra lại cho rằng: Với tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn lớn, dự kiến tương đương 18.7 tỷ USD. Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Việc huy động vốn bằng sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Cân nhắc thời điểm đầu tư
Mặc dù hầu hết các thành viên của Ủy ban Kinh tế đều tán thành chủ trương cần có một CHKQT hiện đại, nhưng phải làm rõ tính cấp thiết hay là tính cần thiết của việc đầu tư CHKQT Long Thành. Nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp. Bởi chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển) thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với 7 CHKQT có thể đáp ứng nhu cầu.
Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, khi đánh giá về hiệu quả Dự án lại chỉ dựa trên dự báo quá lạc quan về lượng hành khách đạt được… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Thực tế lợi ích kinh tế của Dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác, phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực.
Với giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc hiệu quả kinh tế của Dự án với tỷ lệ nội hoàn kinh tế cao (EIRR là 22,1%), Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu yêu cầu, căn cứ cơ sở đó cần có biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn từ các thành phần ngoài Nhà nước để giảm tỷ trọng vốn Nhà nước đầu tư vào Dự án, hạn chế tác động lớn đến vấn đề nợ công. Đồng thời, Bộ GTVT cần bổ sung ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nhà khoa học và người dân có liên quan để Quốc hội tham khảo trước khi quyết định.
Chưa thấy cam kết giữ đúng tổng mức đầu tư
"Tổng mức đầu tư của dự án đầu tư, xây dựng CHKQT Long Thành so với đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước đây là không lớn nhưng mới chỉ báo cáo giai đoạn 1, tôi băn khoăn là giai đoạn 2 sẽ thế nào, giai đoạn 3 hình thù ra sao? Vấn đề này cần phải xem xét trong thực trạng đầu tư công hiện nay. Quan trọng hơn là chưa thấy cam kết của Chính phủ rằng sẽ giữ đúng tổng mức đầu tư dự án để các ĐB yên tâm... Tôi đồng ý về chủ trương cho lập dự án khả thi, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau để xem xét đồng ý cho làm hay không."
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh
|
Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc Dự Luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của DN đối với việc khắc phục chậm chuyến, hủy chuyến. Về vấn đề giá dịch vụ hàng không, nhiều ý kiến cho rằng cần theo nguyên tắc thị trường và phải tiến hành đấu thầu dịch vụ trong sân bay. Đưa ra vấn đề quản lý sân bay không chỉ là quản lý được trong sân bay, đất trong sân bay, mà phải quản lý được vùng an toàn bay, các ĐB cũng đề nghị Luật cần quy định rõ để tránh mở sân bay tràn lan, lãng phí, trong khi nguồn lực đất nước có hạn. |