KTĐT - Chuyện ngân hàng tăng vốn, áp lực tăng vốn không mới, khi yêu cầu đảm bảo vốn pháp định 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ đã được đề cập nhiều từ cuối năm 2009.
Để đáp ứng được quy định về mức vốn điều lệ cho năm 2010, 21 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ “ngốn” tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Đầu tuần này, thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho hai trường hợp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigon Bank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Mê Kông (MDB), từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Chuyện ngân hàng tăng vốn, áp lực tăng vốn không mới, khi yêu cầu đảm bảo vốn pháp định 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141 của Chính phủ đã được đề cập nhiều từ cuối năm 2009. Thế nhưng, hai trường hợp trên được một số công ty chứng khoán đưa vào dẫn chứng cho một quan ngại hiện nay: thị trường chứng khoán đang cần khẳng định sức mạnh nguồn tiền, trong khi, nguồn cung mới lại đang gây áp lực.
Bình luận mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) nhấn mạnh: “Thị trường vẫn tiếp tục khó khăn trong việc tăng điểm mạnh, chủ yếu do vấn đề dòng tiền hạn chế, đã được lý giải nhiều lần là do việc phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp…”.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cuối tuần rồi cũng nhận định: “Hầu hết tin tức trong ngày hôm nay tập trung vào việc tăng vốn đã diễn ra hay đang còn trên kế hoạch của các doanh nghiệp… Nói chung là nguồn cung cổ phiếu mới này đang hạn chế sức tăng của thị trường…”.
Trong các khối doanh nghiệp, nổi bật nhất hiện nay và đến cuối năm vẫn là hoạt động tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhiều “ông lớn” đã vượt xa quy định 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng vẫn có kế hoạch tăng; trong khi hơn hai chục trường hợp khác buộc phải gọi vốn cho được, nếu không muốn bị xem xét sáp nhập, giải thể…
Dữ liệu tập hợp của VnEconomy cho thấy, chỉ riêng nhóm buộc phải tăng vốn là 21 ngân hàng đã “ngốn” tới 30.262 tỷ đồng. Con số này được xác định từ mức vốn điều lệ hiện tại đến mốc 3.000 tỷ đồng yêu cầu.
Dữ liệu này được tập hợp theo công bố ở các kênh khác nhau của mỗi thành viên; trong đó có một số ngân hàng đã có những bước đệm ở đợt phát hành mới, hoặc qua trái phiếu chuyển đổi đã phát hành, hay có một phần chuyển từ thặng dư… nhưng chưa công bố chính thức vốn mới.
Và nếu tính theo kế hoạch dự kiến của một số thành viên trong năm 2010, theo nghị quyết đại hội cổ đông hoặc phát ngôn gần đây, thì con số đó sẽ lớn hơn nhiều (khá nhiều kế hoạch tăng lên 3.100, 3.500 và 5.000 tỷ đồng).
Ngoại trừ một số ít đã có cam kết mua cổ phần phát hành thêm từ phía cổ đông, đã có bước đệm từ trái phiếu chuyển đổi trước đó, nhưng hơn 30.000 tỷ đồng cho khoảng thời gian còn lại của năm, xem ra là một sự chia sẻ lớn đối với nguồn tiền cho thị trường niêm yết (cổ phiếu của cả 21 nhà băng đó đều chưa có mặt trên sàn).
Một tham khảo là số vốn buộc phải tăng đó gần ngang ngửa với tổng giá trị giao dịch của cả một tháng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), tính bình quân trong 3 tháng qua!