Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn FDI giảm có đáng lo?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 214 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Dịch Covid-19 làm giảm vốn FDI
Trong tháng 2 có 500 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5 tỷ USD, giảm 2,7% về số dự án và tăng 104,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn đăng ký mới tăng do 2 tháng đầu năm 2020 có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD. Đến thời điểm này, đây cũng là dự án FDI lớn nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo đơn vị này, nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong 2 tháng qua chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm.
Về vốn điều chỉnh, có 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4%. Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN với tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, giảm 84%. Chính vì vậy, thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2020 kể cả đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mới chỉ đạt 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực ĐTNN, kể cả dầu thô đạt 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 69,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 25,06 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức tăng thấp nhất của xuất khẩu khu vực ĐTNN trong 5 năm trở lại đây.
Ngoài ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của các NĐTNN. Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các NĐT tiềm năng Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn. Các NĐT mới sẽ do dự đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các NĐT có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Tận dụng tốt hơn các FTA
Về đối tác đầu tư, trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam 2 tháng qua, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai, Hàn Quốc đứng thứ ba. Tiếp theo là Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản,...
 Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Đăng Khoa
Riêng tại TP Hà Nội, lũy kế từ đầu năm đến ngày 19/02/2020, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 205,3 triệu USD, trong đó đăng ký mới 111 dự án với số vốn đạt 52,9 triệu USD; 17 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 76,7 triệu USD; NĐTNN góp vốn, mua phần vốn góp đạt 75,7 triệu USD.
Theo một chuyên gia kinh tế, có thể thấy trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, vốn FDI từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Hongkong, Nhật Bản vẫn tăng, tuy nhiên đến nay, dịch cúm đang lan rộng sang các nước trên. Khả năng trong tháng 3 nguồn vốn từ các thị trường này tiếp tục bị ảnh hưởng. Trong khi đó vốn gián tiếp cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Các thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đều giảm mạnh. Hiện vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vẫn chủ yếu là các nước châu Á, do đó cần có biện pháp thu hút các thị trường khác.
Theo vị chuyên gia trên, lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU. Song về lâu dài, định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực.
Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của BIDV, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn FDI bị ảnh hưởng là không tránh khỏi song vấn đề dịch chỉ là đột xuất, tạm thời, dòng vốn FDI bị chậm lại nhưng chỉ trong ngắn hạn. Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tích cực. Dịch bệnh tại các nước khác sẽ thúc đẩy các NĐT xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hongkong, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

"Nếu cải cách kinh doanh của Việt Nam tốt, công tác khống chế dịch bệnh cộng với nền móng có sẵn thì việc đón nhận một luồng sóng các tập đoàn kinh tế lớn tại các quốc gia sẽ đổ bộ vào Việt Nam là điều hoàn toàn có thể trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước họ đang có diễn biến phức tạp." - TS Võ Trí Thành