Thu hoạch nấm tại gia đình ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Văn Thắng |
Một trong những hộ dân tiên phong trồng nấm tại xã Trung Tú là gia đình ông Nguyễn Văn Bình, thôn Thanh Hội. Ông cho biết, năm 2009, Hội Nông dân huyện Ứng Hòa mở lớp dạy trồng nấm tại xã Trung Tú. Thấy mô hình mới có nhiều tiềm năng phát triển, ông đã mạnh dạn tham gia thí điểm sản xuất. Hiện, diện tích trồng nấm của gia đình ông Bình đạt 100m2, quy mô sản xuất 2 tấn rơm/lứa, cho thu hoạch bình quân từ 4 - 5 tạ nấm rơm, sò, mỡ các loại. Với giá bán bình quân hiện nay khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Từ thành công của hộ ông Bình, Hội Nông dân xã Trung Tú đã tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm ra nhiều hộ dân khác. Ông Dư Văn Chiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Tú, cho biết, toàn xã có 630 ha đất canh tác, chủ yếu là cấy lúa, hiệu quả kinh tế không cao nên nhu cầu học nghề của người nông dân rất lớn. Chính vì vậy, từ năm 2009, Hội Nông dân xã Trung Tú phối hợp với Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề trồng nấm cho hàng trăm hội viên nông dân.
Đến nay, toàn xã Trung Tú có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất nấm thường xuyên. Vào mùa cao điểm (mùa hè), số hộ sản xuất nấm toàn xã lên tới 300 hộ, phân bố ở tất cả 8 thôn của xã, trong đó tập trung chủ yếu là ở 3 thôn Thanh Hội, Quảng Tái và Tự Trung. Theo tính toán, chi phí bỏ ra để trồng nấm trên khối lượng 100kg rơm là khoảng 300.000 đồng gồm tiền mua rơm, giống, phân đạm. Nếu chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, sau 25 ngày, nấm bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất nấm đạt từ 18 - 23kg/1tạ rơm, trừ chi phí cho thu lãi 1,8 triệu đồng/1 tạ rơm.
Nghề trồng nấm không chỉ tận dụng được khối lượng rơm, rạ sau thu hoạch mà còn mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm nấm của xã Trung Tú mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong xã và các địa phương lân cận, chưa đủ để cung cấp ra toàn thành phố. Ông Hoàng Đức Song, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Tú cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm ra nhiều hộ dân khác. Trên cơ sở đó, xây dựng thương hiệu nấm Trung Tú, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.