Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vòng loại U23 châu Á: Nóng chuyện bản quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào cuối tháng 3/2015, tuyển U23 sẽ tham dự vòng loại giải U23 châu Á. Trước đây, sân chơi châu lục chỉ là giấc mơ của bóng đá Việt Nam nên giới mộ điệu chẳng mấy quan tâm.

 Thế nhưng, khi mà cơn sốt các ngôi sao bóng đá trẻ Việt Nam chưa có dấu hiệu dừng lại thì câu chuyện bản quyền giải đấu ở tận Malaysia bỗng trở nên nóng hổi.

Bản quyền lại rơi vào tay ông lớn

Khi các nhà đài Việt Nam vẫn còn mải mê chạy theo sự trồi sụt của dàn sao trẻ HAGL thì Ban Tổ chức giải U23 châu Á đã chính thức mở bán bản quyền truyền hình. Không có đơn vị nào ở Việt Nam tham gia đấu thầu. Và ngay lập tức, ông lớn chuyên săn bản quyền truyền hình và bán lại cho các đơn vị quan tâm là MP & Silva đã nhảy vào cuộc. Họ nhanh chóng giành quyền phân phối bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam.
Một buổi tập luyện của các cầu thủ U23.
Một buổi tập luyện của các cầu thủ U23.
Đương nhiên, một khi MP & Silva đã vào cuộc thì họ có lý và có đầy đủ chiêu thức để nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận. Hay nói cách khác, bộ phận tiếp thị và phân tích thị trường của công ty này đã nghiên cứu rất kỹ thị hiếu của thị trường. Họ tin, cơn sốt mang tên Công Phượng, Tuấn Anh và cả Miura vẫn đang ở trên đỉnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, MP & Silva hoàn toàn có thể tìm kiếm khoản lợi nhuận từ thương vụ mà bản thân các nhà đài Việt Nam chưa nghĩ tới.

Sẽ được xem U23

Được biết, ngay sau khi nhận được quyền phân phối, MP & Silva đã gửi thư chào hàng đến hàng loạt đối tác tại Việt Nam. Lúc này, sự ngạc nhiên xen lẫn bối rối đã xuất hiện bởi món hàng mà nhiều người nghĩ là quan trọng nhưng lại không để ý tới đã được đẩy giá lên khá cao. Đương nhiên, các đơn vị truyền hình có quyền từ chối nếu họ cho rằng, giá bản quyền quá cao.

Thế nhưng, cái khó của làng truyền hình Việt Nam là họ không thống nhất trước những sự kiện hấp dẫn. Hay nói đúng hơn, ai cũng muốn mình là tâm điểm của các sự kiện nổi bật. Bởi, bên ngoài tiếng chịu chơi, các đơn vị còn có cho mình cơ hội khẳng định đẳng cấp với người hâm mộ. Bây giờ, khi mà cuộc chiến giành giật thị trường giữa các nhà cung cấp dịch vụ được đẩy lên hàng đầu thì việc giành bản quyền những giải đấu hấp dẫn là chiến thắng quan trọng. Có bản quyền là có khán giả. Mà có khán giả thì bán được đầu thu, tăng thuê bao và đặc biệt là thu hút được nhiều quảng cáo từ các DN.

Vậy nên, khi các nhà đài lớn tiếng tuyên bố, cái giá mà MP & Silva đưa ra quá chát thì cũng là lúc người ta nghĩ ngay đến những cuộc thương thảo bí mật nơi hậu trường. Theo thông tin có được, MP & Silva đã đạt được thỏa thuận với một "thiếu gia" trong làng truyền hình về việc bán bản quyền truyền hình. Tất nhiên, giá trị của thương vụ này sẽ khá cao nhưng người mua cũng cảm thấy hài lòng bởi họ có cơ hội được "diễn" trong một sân khấu có nhiều khán giả.

Chắc chắn người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem thầy trò ông Miura thi đấu ở vòng loại U23 châu Á tới đây. Tuy nhiên, việc để rơi vào thế bị động trong các sự kiện lớn đang khiến các nhà cung cấp gặp khó, mà trước hết là phải mua món hàng với giá cao từ đối tác nước ngoài. Vậy nên, bài học đặt ra là việc đã đến lúc các đơn vị truyền thông phải có sự thống nhất về chương trình hành động và có được một chiến lược dài hạn liên quan đến bản quyền truyền hình.