Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPBank bị tố làm mất 26 tỷ đồng: Kẽ hở lớn trong giao dịch

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự việc đã bộc lộ kẽ hở trong quy trình kiểm soát giao dịch của VPBank.

VPBank khẳng định tố cáo của khách hàng "đáng nghi vấn"

VPBank khẳng định “Nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân có rất nhiều điểm chưa chính xác, không đúng với thực tế, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều điểm mập mờ, đáng nghi vấn cần phải được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng đầy đủ. 

​Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang xem xét, xác minh, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ việc này, VPBank đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ gốc để Cơ quan điều tra kiểm tra, giám định”.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sự việc đã bộc lộ kẽ hở trong quy trình kiểm soát giao dịch của VPBank.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sự việc đã bộc lộ kẽ hở trong quy trình kiểm soát giao dịch của VPBank
Thêm vào đó, liên quan đến ý kiến cho rằng Hồ sơ mở tài khoản của Công ty TNHH MTV Đầu Tư và Phát triển Quang Huân (Công ty Quang Huân) đã bị giả mạo chữ ký, dấu của người đại diện theo pháp luật Công ty. Đại diện ngân hàng khẳng định Giấy đăng ký mở tài khoản được ký, đóng dấu theo đúng qui định có kèm theo Mẫu chữ ký, Mẫu dấu Chủ tài khoản Công ty Quang Huân.

Về ý kiến cho rằng cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên mua SÉC của Công ty Quang Huân, đại diện VPBank khẳng định rằng nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua SÉC mà chỉ đứng tên nhận hộ SÉC theo chỉ định của Công ty Quang Huân; Việc mua SÉC của Công ty Quang Huân được chính Công ty Quang Huân thực hiện. 

Lý do cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên nhận SÉC trên đề nghị mua SÉC của Công ty Quang Huân do kế toán Công ty Quang Huân - Phạm Văn Trinh - đề nghị nhận hộ và trao lại cho Trinh sau đó. Tại biên bản làm việc ngày 04/11/2015 Phạm Văn Trinh đã xác nhận rõ toàn bộ số SÉC mà cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng nhận hộ trên Đề nghị mua SÉC đã được chuyển lại cho Phạm Văn Trinh và sau đó, Trinh đã chuyển lại cho bà Xuân.

Về ý kiến cho rằng, tài khoản của công ty đã bị rút tiền bằng chứng từ giả mạo (biến mất tiền). Ngân hàng này khẳng định tài khoản của công ty được thực hiện giao dịch, chuyển, rút tiền bởi các lệnh thanh toán hợp pháp (chuyển khoản, rút séc..) của chủ tài khoản. Cụ thể, các giao dịch rút séc đề cập trong đơn tố cáo đều được thực hiện tại các chi nhánh khác của VPBank chứ không phải tại VPBank Tân Phú - nơi mở tài khoản như đơn tố cáo. Việc thanh toán séc thực hiện đúng quy định. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết tố cáo của bà Xuân, ngân hàng cũng tìm hiểu về đường đi và đến của số tiền được rút ra từ 3 tấm séc do Quang Huân phát hành.

Theo biên bản làm việc với Phạm Văn Trinh, ông nêu rõ toàn bộ số tiền rút séc từ tài khoản của công ty sử dụng theo chỉ định của bà Xuân hoặc có sự giám sát hoặc người nhà bà Xuân. Cụ thể, ba lần rút séc với tổng cộng 11,3 tỷ đều chuyển lại tài khoản của cá nhân bà Xuân, tài khoản của Công ty Quang Huân tại Argribank.

Kẻ hở trong giao dịch

Những tình tiết trên quan trọng vì liên quan đến kết luận bà Xuân có bị mất tiền không, hay những người bà Xuân tố cáo tường trình sai sự thật và chiếm đoạt số tiền trên. Dĩ nhiên kết luận vẫn phải chờ cơ quan điều tra xác minh.

Tuy nhiên, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự việc đã bộc lộ kẽ hở trong quy trình kiểm soát giao dịch của VPBank, đặc biệt là ở hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản.

"Nó xuất phát từ chính sách khách hàng VIP của các ngân hàng hiện nay. Bà Xuân là khách hàng VIP của VPBank nên khi mở tài khoản, bà này không cần đến ngân hàng, thay vào đó, nhân viên VPBank đem hồ sơ tới để bà Xuân ký tên, đóng dấu. Tuy nhiên, sau đó, nhân viên này nói quên mang theo con dấu nên mang hồ sơ của bà Xuân về ngân hàng đóng dấu. 

Theo đúng quy trình, sau khi mang hồ sơ về đóng dấu, nhân viên này phải gửi trả lại cho bà Xuân một bản đăng ký mở tài khoản, nhưng cuối cùng lại chỉ thông báo cho bà Xuân số tài khoản mà không trả lại chứng từ.

Vì thế, có thể xảy ra khả năng hồ sơ gốc được nhân viên ngân hàng nói trên "ém" đi và đưa vào kho hồ sơ của ngân hàng một hồ sơ giả. Việc rút tiền phải căn cứ vào chữ ký gốc, mà chữ ký gốc đã bị tráo thì tiền bị rút khỏi tài khoản rất dễ dàng.

Một kẽ hở khác, theo TS Bùi Quang Tín chính là khâu kiểm soát séc. Trong tài liệu gửi báo chí trên,  VPBank khẳng định nhân viên của ngân hàng này - bà Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của Công ty Quang Huân; việc mua séc của Công ty Quang Huân được chính công ty này thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy thì VPBank cũng đã bộc lộ sai sót trong khâu kiểm soát séc.

Trong vụ việc của VPBank, tờ séc là bà Xuân mua, tên của bà Xuân nhưng người ký là ông Phạm Văn Trinh (nhân viên kế toán công ty Quang Huân). Đối chiếu với Thông tư số 22 thì rõ ràng phía ngân hàng đã sai ở điểm này. Nếu là chữ ký của ông Trinh thì phía dưới chữ ký đó phải để tên ông này chứ không phải tên bà Xuân. 

Và như thế, ông Trinh bắt buộc phải có giấy ủy quyền hợp pháp của bà Xuân và ông này phải có chữ ký mẫu tại ngân hàng VPBank. Chưa kể, trong phần kiểm tra Chứng minh nhân dân (CMND), nếu tờ séc để tên bà Xuân thì phải có CMND của bà Xuân, chứ không thể đưa CMND của ông Trinh ra được.

Từ đây, có thể thấy ngân hàng đã không kiểm soát đầy đủ các yếu tố này và không hiểu vai trò của kiểm soát viên nằm ở đâu?", TS Bùi Quang Tín đặt câu hỏi.

Về chữ kí là giả hay thật theo LS Đỗ Trọng Hải, CLB Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam, có thể sẽ phải giám định chữ ký, nhưng việc giám định là không đơn giản khi đó là chữ ký điện tử. 

Nếu là chữ ký trên “giấy trắng mực đen” còn có thể giám định được dựa vào đặc tính của chữ ký, nhưng nếu ký trên bản điện tử sẽ không thể hiện được đặc tính này. Trong trường hợp kết quả giám định xác định đó là chữ ký giả, đương nhiên ngân hàng phải bồi thường. Ngân hàng phải có nghĩa vụ chứng minh khách hàng đã làm gì để mất tiền trong tài khoản, chứ không phải bắt khách hàng phải chứng minh.

“Bởi vì tiền của khách hàng ở trong tài khoản là tiền do ngân hàng quản lý. Tất cả những hành động mang tính kỹ thuật mà không có dấu hiệu của khách hàng gây nên thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Bảo mật là nghĩa vụ của ngân hàng chứ không phải của khách hàng,” Luật sư Đỗ Trọng Hải cho biết.

Tuy nhiên, Luật sư Hải cũng lưu ý cần phải xem trong hợp đồng mở tài khoản và mở thẻ tín dụng được ký kết giữa khách hàng và ngân hàng, trong đó có thể có những điều khoản được thống nhất giữa hai bên. Do vậy, trong trường hợp có tranh chấp, tòa sẽ phải xem xét thỏa thuận đã ký giữa hai bên đã có sự bình đẳng hay chưa.

Theo LS Đỗ Trọng Hải, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần có quy định cụ thể về mẫu của điều khoản khi mở tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời NHNN cần có quy định bắt buộc các NHTM phải đưa ra quy trình thủ tục chặt chẽ hơn.