Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPCP thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 11/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên- Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013 diễn ra trong ngày 2/12, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng qua cùng phương hướng trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo.
Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết thời điểm họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013 cũng là thời điểm quan trọng sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp thứ 6 và thông qua nhiều chính sách rất quan trọng, có những chính sách mang tính lịch sử, trong đó có phần KT-XH của năm 2013.

Phiên họp này, Chính phủ bàn những nội dung, vấn đề mà các đại biểu Quốc hội chuyển tải từ sự quan tâm của cử tri, đồng bào cả nước đặt ra và làm rõ tại kỳ họp này.

Các thành viên Chính phủ rất quan tâm đến từng vấn đề cụ thể và đã bàn, đi đến sự thống nhất thực hiện.

Tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng đầu năm có dấu hiệu khả quan hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, những chỉ số như CPI, trong tháng 11 tăng 0,34% và 11 tháng tăng 5,5%, là chỉ số thấp trong 10 năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, tháng sau tăng cao hơn tháng trước, xuất khẩu tăng 16,2%...

Những con số này cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế bắt đầu khởi sắc. Từ những con số đó, chúng ta có thể hình dung ra nỗ lực trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp, đặc biệt là của nhân dân, doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để làm nên kết quả đó. Đó là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, những đánh giá trên cho chúng ta sự động viên và chỉ là bước đầu bởi vì tình hình còn khó khăn, lạm phát còn tiềm ẩn, nợ (nhất là nợ xấu) xử lý chưa tốt, chưa đúng theo kế hoạch đề ra; tai nạn giao thông 3 chỉ số có giảm nhưng số người chết vẫn tăng mặc dù chúng ta đã làm nhiều biện pháp để kiềm chế; tệ nạn xã hội còn xảy ra ở một số nơi và một số vụ rất nghiêm trọng… Tình hình trên cho thấy những người điều hành, quản lý, và tất cả chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để khắc phục khó khăn.

Bên cạnh đó, yếu tố thiên tai, bão lụt với biến đổi khí hậu rất khó lường trong thời gian qua, điều này Chính phủ cũng bàn để có những biện pháp phòng chống tốt hơn; việc chống bão thế nào, ngăn lũ, xây nhà ra sao… đều được bàn rất cụ thể.

Bàn về phương hướng tháng 12 và những công việc sắp tới để hoàn thành kế hoạch năm, tuy có những khó khăn như vậy nhưng có thể kết thúc năm kế hoạch của chúng ta tương đối ổn.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ tập trung bàn sâu vào vấn đề thứ nhất là làm sao tập trung thúc đẩy xây dựng cơ bản trong mùa khô hiện nay. Nếu chúng ta triển khai chậm một số vấn đề, thì tới mùa mưa, nhiều công trình không thể xử lý được. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất tập trung huy động các nguồn vốn, trong đó trái phiếu triển khai nhanh và vốn ODA, để có nguồn vốn thực hiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý ứng vốn trước từ ngân sách khi cần thiết với những công trình, tất nhiên phải đảm bảo, nhưng khi cần thiết phải tập trung vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ hai là thu ngân sách như báo cáo Quốc hội. Chúng ta có nhiều mối lo liệu có hoàn thành được kế hoạch nhưng đến giờ này, với chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, các cấp thì Bộ Tài chính báo có khả năng hoàn thành thu ngân sách. Tuy nhiên, cùng với thu đúng, thu đủ là chống thất thu quyết liệt. Ngành Thanh tra, ngành Tài chính, các địa phương cũng tập trung cho việc này, đảm bảo công bằng, thu đúng, thu đủ. Trong chi thì phải tiết kiệm triệt để, tiết kiệm nhiều thứ.

Thứ ba, tại phiên họp có bàn về Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, về “tam nông”. Quốc hội vừa rồi cũng tập trung bàn nhiều về nông dân, nông nghiệp. Lo cho người dân là lo một cách toàn diện nhưng đặc biệt chú ý đến người nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa. Đối với nông nghiệp, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, đóng góp cho nền kinh tế, nhưng cái đang lo nhất là vấn đề khoa học kỹ thuật, công nghệ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bàn đến chuyện người dân có thể làm được nhiều thứ, nhưng vẫn phải nhập những mặt hàng mà chúng ta có thể làm được khiến chúng ta bị động trong khi lẽ ra có thể chủ động. Báo chí phải đi sâu tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý của nông dân, đồng bào, nhà khoa học để có hiến kế, ý kiến nhằm khắc phục. Xây dựng nông thôn mới đang đi bước dài nhưng rất khó khăn, gặp  áp lực, chỉ tiêu chưa phù hợp, những xã điểm cũng khó khăn trong nhân rộng, hiện đang rà soát, kiểm tra những tiêu chí phù hợp đảm bảo tính khả thi cao.

Vấn đề thủy điện các thành viên Chính phủ cũng bàn rất nhiều, Thủ tướng Chính phủ cũng giải trình trước Quốc hội và hiện cũng có rất nhiều ý kiến nhưng Chính phủ muốn nói rằng tiềm năng thủy điện của chúng ta cần được khai thác. Nhiều nước không có trong khi chúng ta làm thủy điện so với sản xuất điện bằng những nguồn năng lượng khác thì giá thành cao hơn nhiều. Nhưng khi thực hiện khai thác tiềm năng thủy điện là phải giữ nghiêm nguyên tắc không thể gây thiệt hại, không để xảy ra những mặt trái. Thủ tướng cũng đã nói: Những hồ thủy điện phải có kịch bản cụ thể, khi mùa mưa phải làm gì, lượng mưa cỡ nào phải xử lý ra làm sao, cả trước và trong lúc mưa chứ không phải vì lợi ích cục bộ của hồ mà chúng ta chờ đến lúc xảy ra mới xử lý thì thiệt hại có thể rất lớn. Vấn đề này thuộc trách nhiệm nhiều bộ, ngành. Cho nên chúng ta cần hết sức công bằng và nhìn từ hai phía để thông tin cho nhân dân hiểu, giám sát những việc làm trong phạm vi này. Thủy điện, hồ chứa nước có những cái lợi nhưng nếu chúng ta làm không chặt chẽ, thiếu trách nhiệm hoặc tắc trách... thì sẽ gây thiệt hại lớn. Vấn đề này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Vấn đề thứ năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm trong chỉ đạo là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ giao rà soát, xem xét, đối chiếu, không để tồn đọng văn bản, bởi vì khi luật ra mà thiếu văn bản hướng dẫn thì không chỉ làm chậm về thời gian mà còn để lại suy nghĩ không hay. Lần này Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải quyết tâm đề cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành giải quyết tối đa trong vấn đề này như tinh thần Thủ tướng đã nói trước Quốc hội.

Thứ sáu, cuộc họp đi sâu bàn rà soát lại việc phân cấp, giao việc rạch ròi, trách nhiệm từng bộ, ngành, từng cấp, không để tình trạng có việc xảy ra không biết trách nhiệm thuộc về ai. Trong cuộc họp, có ý kiến cho rằng có những cái không thể chỉ đạo sở, ngành vì có cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo nhưng Chính phủ thống nhất là điều chỉnh bằng văn bản pháp luật từ trên xuống chứ không phải can thiệp cụ thể.

Quan trọng là sự phối hợp phải có người chủ trì, chịu trách nhiệm. Lần này Chính phủ quan tâm, đi sâu thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành, quyết tâm thực hiện vấn đề này. Thực ra có nhiều lĩnh vực rất khó rạch ròi trách nhiệm mà đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối hợp. Như quá trình đưa thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn có nhiều ngành tham gia, và phải tính đến sự phối hợp. Đó là cần tăng cường, siết chặt kỷ cương hành chính, rồi sau đó là chế tài phát hiện, kiểm tra, xử lý.

Kế hoạch năm 2014 đã có từng công việc cụ thể. Lần này Chính phủ họp bàn và thống nhất, trước mắt là công việc tổng kết của Chính phủ và các bộ, ngành, trừ những ngành đặc thù, sẽ làm trực tuyến, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.

Về chuẩn bị Tết, Chỉ thị Tết đã thông qua với nhiều việc cụ thể để đảm bảo nhân dân ăn Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm… Nhưng khi bàn, Chính phủ cũng chú ý mấy việc: Năm nay Tết đến sớm, chúng ta có điều chỉnh thời gian nghỉ Tết. Thay vì nghỉ từ ngày 29-30 tháng Chạp như mọi năm thì năm nay nghỉ Tết từ ngày 28 tháng Chạp, đảm bảo nghỉ đủ số ngày theo Luật Lao động. Các doanh nghiệp chủ động tính toán để vừa ăn Tết, vừa đảm bảo hoạt động theo kế hoạch. Hoạt động hành chính đảm bảo thông suốt, đặc biệt trong kinh doanh, xuất nhập khẩu với những nước không nghỉ dịp Tết.

Phóng viên Ngọc Thọ (báo Thời đại): Vừa qua bão số 10 và 11 đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình và Quảng Trị. Nhiều hồ nuôi thủy sản bị mất trắng, các đồng lúa cũng bị mất và rừng cao su bị gãy nát. Các khoản vay của người nông dân cũng như các doanh nghiệp đều thuộc lĩnh vực cho vay về nông nghiệp, nông thôn. Vậy Chính phủ có chỉ đạo gì và trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ gì với các khoản vay, sẽ có hỗ trợ như thế nào với bà con trong vùng bị thiệt hại của bão số 10, số 11 và vùng hoàn lưu bão số 14 vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Với câu hỏi về vai trò của Chính phủ trong chỉ đạo khắc phục thiên tai, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tôi đề nghị lãnh đạo ngành Ngân hàng sẽ trực tiếp trả lời.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Ngay khi có thiệt hại xảy ra do bão lũ từ đầu tháng 10, ngành Ngân hàng đã nắm bắt thông tin qua hệ thống ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước ở các địa phương. Chúng tôi đã có 6 văn bản để chỉ đạo hệ thống ngân hàng phối hợp với địa phương đánh giá các khoản vay. Chúng tôi đã có những chính sách miễn, giảm lãi suất, cơ cấu các khoản nợ, đề xuất những biện pháp khoanh nợ với các hộ dân, người sản xuất bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo dành vốn để đầu tư cho vay mới phục hồi sản xuất và khắc phục những khó khăn về đời sống.

Chúng tôi yêu cầu có những báo cáo kịp thời và đề xuất các giải pháp để nếu vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ để xử lý. Đến nay, qua nắm bắt sơ bộ của chúng tôi, trong thời gian vừa qua, tại 10 tỉnh, số thiệt hại liên quan đến các khoản vay ngân hàng là 10.500 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã kịp thời phân loại, cơ cấu lại nợ, khoảng 300 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ chịu thiệt hại, đã thực hiện miễn, giảm lãi và khoanh nợ khoảng trên 2.200 tỷ đồng.

Đồng thời các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đã thực hiện cho vay mới để khắc phục sản xuất, ổn định đời sống các vùng bị thiệt hại. Để có chỉ đạo kịp thời, sâu sát hơn, cuối tuần vừa qua, đồng chí Thống đốc đã trực tiếp vào làm việc trực tiếp tại Quảng Bình, nơi bị thiệt hại nhiều nhất trong đợt bão lũ vừa qua. Đi cùng Thống đốc có các đơn vị chức năng và lãnh đạo 5 ngân hàng thương mại lớn. Ngay sau đó, Thống đốc có chỉ đạo, chúng tôi sẽ ban hành văn bản tiếp tục chỉ đạo kịp thời ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ các giải pháp để cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới… Chúng tôi cũng cân nhắc, nếu có những giải pháp quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, để có những giải pháp trong thời gian tới.

PV Báo Đời sống&Pháp luật: Hàng loạt vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, đem con bỏ chợ xảy ra thời gian qua. Mới đây báo chí đưa vụ công ty Hoàng Thắng lừa người lao động ở Tân Hội, Đan Phượng. Chính phủ có biết không và chỉ đạo xử lý như thế nào?

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa: Thứ nhất, hiện tượng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, không chỉ Chính phủ mà Quốc hội cũng rất quan tâm. Cách đây nhiều năm, từ năm 2006 chúng ta đã có Luật Xuất khẩu lao động.

Thứ hai, Chính phủ đã chỉ đạo chúng tôi ký với Bộ Công an Thông tư liên tịch về đấu tranh chống lừa đảo trong xuất khẩu lao động.

Lừa đảo trong xuất khẩu lao động là những doanh nghiệp không có chức năng, giấy phép nhưng đưa người đi nước ngoài trái pháp luật. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với công an, nhiều vụ việc đã được đưa ra xử lý.

Về ý mang con bỏ chợ, tôi xin nói thêm, đây là tình trạng doanh nghiệp có chức năng, giấy phép đưa người lao động đi, nhưng khi có sự việc xảy ra không kịp thời xử lý hoặc để kéo dài. Hiện tượng này cách đây 3-4 năm về trước, khi thị trường nước ngoài có ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thì có xảy ra.

Nhưng phải nói 3-4 năm trở lại đây, hiện tượng này rất ít, ngay cả lừa đảo những năm gần đây cũng ít hơn trước. Tôi đề nghị các báo, nếu phát hiện hiện tượng lừa đảo, có thể phản ánh cho Bộ Công an hoặc cho chúng tôi phối hợp xử lý. Nếu có hiện tượng đem con bỏ chợ, các đồng chí có thể phản ánh trực tiếp với chúng tôi để phối hợp chỉ đạo xử lý cụ thể.

Phóng viên Bích Diệp (Báo Dân trí): Tôi xin hỏi 2 câu. Câu hỏi thứ nhất dành cho Ngân hàng Nhà nước. Trong thông báo cáo chí, tính đến 20/11, dư nợ tín dụng ước tăng 7,21% so với tháng 12 năm 2012. Tuy nhiên, trong báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Thủ tướng cho biết đến 21/11, tăng trưởng tín dụng đã là 9%. Vậy Ngân hàng Nhà nước có thể cung cấp cho chúng thông tin chính xác và sự chênh lệch số liệu này là như nào?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Biến động trong hoạt động tín dụng diễn ra hằng ngày, chúng tôi theo dõi hằng ngày. Mỗi một thời điểm có thể có sự xê dịch nhất định. Ví dụ như trong báo cáo, đến ngày 20/11 tăng trưởng tín dụng khoảng 7,21%, nhưng thực tế đến ngày 25 là 7,54%. Đồng thời vừa qua, một số giải pháp của ngành Ngân hàng đối với việc xử lý nợ xấu, bán nợ cho công ty quản lý tài sản cũng làm ảnh hưởng nhất định đến con số về tín dụng. Tuy nhiên, cùng kỳ năm ngoái tăng 3,5%, còn năm nay tăng khoảng 7,5%. Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh kích cầu nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì đây cũng là cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng, đặc biệt trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, tăng trưởng tín dụng cũng đạt trên 10%. Thông thường, trong tháng 12 là thời điểm theo quy luật tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn mức bình thường. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa được mức tín dụng tăng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng đặc biệt quan trọng chứ không vì chạy theo chỉ tiêu số lượng mà không quan tâm đến chất lượng tín dụng.

Phóng viên Bích Diệp (Báo Dân trí): Câu hỏi thứ hai xin hỏi Bộ LĐTBXH. Tiền lương, thưởng tại các cơ quan Nhà nước, Tổng công ty đang được xã hội rất quan tâm, Bộ đã có chuẩn bị như nào trong việc ra kế hoạch cũng như giám sát công tác này?

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa: Chúng tôi đang chỉ đạo việc này. Mấy hôm tới chúng tôi sẽ tổng hợp các báo cáo và có thông tin số liệu cụ thể.

Phóng viên Phương Thủy (báo Lao Động): Trong phiên chất vấn trước Quốc hội vừa rồi Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh việc cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, nhất là khi xảy ra những vụ việc đang được dư luận quan tâm thì việc cung cấp thông tin sẽ phải diễn ra trong 1 ngày. Thông tin này đưa ra khiến báo chí rất hồ hởi. Vậy Chính phủ có thể làm như thế nào để tránh tình trạng quy định hay nhưng việc thực hiện có nhiều vướng mắc và rào cản? Câu hỏi thứ 2 của tôi dành có cá nhân Bộ trưởng. Vài ngày trước Bộ trưởng tâm sự rằng Bộ trưởng là người sẵn sàng hành động và ít dùng lời nói. Vậy khi chuyển sang cương vị là người sẵn sàng cho phát ngôn, sẵn sàng cho lời nói thì Bộ trưởng có tâm tư và kì vọng như thế nào cho cương vị mới này?

Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Khi tôi về VPCP, Thủ tướng có chỉ đạo tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin chứ không chờ hỏi hoặc đặt ra. Tất nhiên có những điều cung cấp nhưng chưa rõ hoặc chưa đầy đủ. Nhưng sau khi nhận được chỉ đạo này, chúng tôi có văn bản gửi đến các Bộ trưởng, các ngành chủ động cung cấp thông tin nhanh và kịp thời theo quy định và tinh thần không đợi chờ, không thụ động. Có lẽ các bạn nghiên cứu về lĩnh vực này sẽ thấy rằng chỉ đạo của Chính phủ đến tất cả các bộ, ngành, không riêng bộ ngành nào. Tất nhiên, quá trình làm cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhanh chóng hơn nữa, kịp thời, chính xác hơn nữa.

Về cá nhân tôi thì hành động đơn giản. Những gì phải nói là nói và nói kịp thời, nói đúng, nói chính xác tinh thần chỉ đạo. Còn khi hành động, như tôi đã nói với các bạn, không chỉ hành động cho mình mà góp phần thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình trên mọi cương vị.

Trước hết, là người lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, tôi phải làm cho Văn phòng Chính phủ tốt hơn, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, nhược điểm trong thời gian qua; đồng thời tham mưu cho lãnh đạo. Chúng tôi sẽ có những trọng tâm, kế hoạch, chương trình để tham gia góp ý với lãnh đạo Chính phủ thực hiện nhiệm vụ. Ở đây không thể nói cụ thể hết được, có lẽ các bạn sẽ xem xét quan sát hành động trong thời gian tới để hiểu thêm.