Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPF “đấu” với AVG

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở trận Siêu cúp Quốc gia, trận SLNA - Navibank Sài Gòn được tới 2 đơn vị truyền hình trực tiếp. Đó là VTV2 theo thỏa thuận mà VTV và các nhà tổ chức trận Siêu cúp đã đạt được trước đó, và công bố rất cụ thể trước công luận. Đồng thời, AVG - đơn vị đã mua từ VFF bản quyền truyền hình các trận đấu bóng đá Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam - cũng điều quân đến.

Báo Tiền Phong - đơn vị sở hữu 50% bản quyền tổ chức Siêu cúp Quốc gia, ký hợp đồng với VTV để thỏa mãn nhà tài trợ PV Gas là không sai. Bởi trong quyền hạn tổ chức, báo Tiền Phong lo toàn bộ việc chạy tài trợ, truyền thông, quảng bá cho giải. Khúc mắc nằm ở việc VFF khi bán bản quyền cho AVG đã không tính đến 50% mà báo Tiền Phong nắm giữ. Từ mùa giải 2012, trận Siêu cúp sẽ được báo Tiền Phong phối hợp với Công ty VPF tổ chức chứ không phối hợp cùng VFF như trước đây.

Đây chỉ là một trong những chuyện bất cập sau bản hợp đồng có thời hạn tới 20 năm giữa VFF và AVG. Trong phiên họp đại hội cổ đông của VPF, bầu Kiên - Phó Chủ tịch HĐQT tuyên bố sẽ đàm phán lại hợp đồng với AVG, đặc biệt là điều chỉnh thời hạn xuống còn 3 năm. Trong hợp đồng, tổng khoản tiền mà AVG trả cho VFF trong 20 năm gần 338 tỷ đồng, nhưng theo HĐQT VPF khoản tiền này quá “bèo” so với tiềm năng bóng đá VN, bởi khai thác thương quyền bóng đá sẽ đem lại cho AVG số lãi khổng lồ, gấp nhiều lần khoản 338 tỷ nêu trên.

Thực tế, sẽ còn có một “cuộc chiến” giữa VPF, AVG, VTV, VTC xung quanh vấn đề bản quyền phát sóng V- League 2012… Và không loại trừ khả năng VPF và AVG - đơn vị đang sở hữu bản quyền sẽ phải đưa nhau ra tòa. AVG với bản hợp đồng 20 năm với VFF có lợi thế hơn bởi đã ký với VFF chứ không phải VPF, đặc biệt, nếu ngồi lại đàm phán, mọi việc chỉ quyết định sau 5 năm thực hiện hợp đồng.

Dẫu vậy, bầu Kiên cũng có sự ủng hộ của các nhà đài, nhất là vị thế và ảnh hưởng của VTV. Tuy AVG đã tuyên bố cho không bản quyền truyền hình nhưng không cho VTV chọn trận và tự sản xuất. Yêu cầu của AVG không được VTV chấp thuận. Bởi đối với VTV, tiêu chí lớn nhất là phục vụ nhân dân cả nước nên VTV phải được chọn trận đấu trước, đảm bảo chất lượng tối đa vì thực tế kinh nghiệm, trình độ sản xuất trực tiếp bóng đá, VTV “đỉnh” nhất chứ không phải AVG. Trong khi năng lực chuyên môn của đơn vị này chưa đạt được yêu cầu, phải nhờ các đài truyền hình địa phương để thu và phát sóng các trận đấu bóng đá.

Cho nên, dù trái bóng V- League 2012 sắp lăn, nhưng cũng chưa biết chắc chắn, VTV hay VTC có truyền trực tiếp hay không. Tất cả còn bỏ ngỏ như vòng sơ loại Cúp quốc gia 2012 ngày 18/12 vừa qua, nhiều trận đã không đến được với khán giả bởi nhiều đài đứng ngoài cuộc.

Liệu V- League hay giải hạng nhất sắp khởi tranh có bị chịu chung số phận như Cúp quốc gia nếu các đài cùng lên tiếng tẩy chay AVG? Hiện tất cả các đài đều đang “án binh bất động” chờ xem VFF sẽ đưa ra giải pháp gì trong buổi họp thường niên của Ban chấp hành diễn ra ngày 22/12 này.

Phó Tổng Giám đốc Công ty VPF phụ trách truyền thông Lưu Quang Lãm cho biết: “VPF sẽ có cuộc làm việc với AVG để tháo gỡ những khó khăn đang mắc phải. Chúng tôi vẫn cố gắng tôn trọng bản hợp đồng đã ký nhưng cũng sẽ đặt ra phương án tốt nhất trong việc chia sẻ quyền khai thác thương mại và bản quyền truyền hình một cách phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích các bên có liên quan. Bài toán kinh tế không phải là điều quan trọng nhất, mà VPF thực sự mong muốn các giải đấu được quảng bá rộng rãi hết mức có thể trên các phương tiện thông tin đại chúng… Có khán giả xem là một tiêu chí khẳng định sự thành công của giải”.

Việc ông bầu Lưu Quang Lãm của Sài Gòn FC được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc VPF là sự bố trí rất có chủ ý của Công ty này. Ông Lãm hiện là Chủ tịch của Công ty VFM, sở hữu hai kênh truyền hình thể thao, gồm: Thể thao TV và Bóng đá TV. Nếu tìm ra một cơ chế phối hợp tốt giữa hai kênh thể thao trên và AVG,  từ các mùa giải tới, V- League không chỉ được tường thuật trực tiếp nhiều hơn mà còn sôi động hơn trên truyền hình. Ông Lãm cho hay, VPF sẽ xem xét lại hợp đồng là AVG được độc quyền dạng nào để đàm phán lại.

Được biết, một điều khoản trong bản hợp đồng được ký với VFF ghi rõ: AVG là đơn vị đại diện duy nhất của VFF tuyên truyền rộng rãi cho hệ thống các giải bóng đá do VFF tổ chức. Nếu các đài thẳng thừng nói không với AVG, thì có thể coi AVG đã vi phạm hợp đồng!

VFF đã làm thất vọng hàng triệu con tim yêu bóng đá Việt Nam vì cách làm quan liêu, thiếu trách nhiệm. Nay hy vọng VPF vì lợi ích của bóng đá nước nhà làm cho ra nhẽ bản quyền truyền hình 20 năm này của AVG, làm sao để cho người hâm mộ cả nước được xem V- League thường xuyên.