Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VPF lơ mơ, đội bóng lĩnh trái đắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - V - League mới bước qua vòng đấu đầu tiên nhưng sự cố lớn đã xuất hiện. Hai đội bóng đại diện cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường châu lục là Hà Nội T&T và V. Ninh Bình tá hóa khi biết rằng, mình đã đăng ký “thừa ngoại binh”.

“Thẻ vàng” cho sự hấp tấp

Trong hội nghị chuẩn bị cho mùa giải mới, VPF đưa ra sáng kiến cho phép những đội bóng được tham dự đấu trường châu Á đặc cách về cầu thủ ngoại. Họ sẽ được đăng ký 4 cầu thủ ngoại, trong đó có một cầu thủ gốc Á thay vì 3 người theo quy định nhằm tăng cường tính cạnh tranh. Đề xuất này đã được đưa ra lấy ý kiến các đội bóng tham dự hội nghị chuẩn bị cho mùa giải mới. Kết quả, có 15/21 đội bóng hạng nhất và chuyên nghiệp tán thành. Tuy nhiên, ngay sau đó, VPF phải thừa nhận rằng, đề xuất này chỉ có thể thành hiện thực nếu được VFF thông qua.

Suốt 3 tháng qua, người ta chưa thấy VFF động chạm đến đề xuất của VPF. Hay nói đúng hơn, chưa một lần Ban Chấp hành VFF bỏ phiếu đồng ý hay phủ quyết đối với ý tưởng này. Chỉ có điều, khi cơ sở pháp lý chưa có, VPF vẫn bật đèn xanh cho đội bóng ký hợp đồng với cầu thủ ngoại nhằm chuẩn bị cho mùa giải mới. Hà Nội T&T và Ninh Bình đã có đủ 4 ngoại binh và đã tung vào sân trong vòng đấu vừa qua.

 
 Cầu thủ ngoại Kavin Bryan của đội bóng V. Ninh Bình. Ảnh: Quang Minh
Cầu thủ ngoại Kavin Bryan của đội bóng V. Ninh Bình. Ảnh: Quang Minh

Tình huống trớ trêu đã xảy ra khi Tổng cục TDTT, nơi ban hành Điều lệ giải và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã thông báo, mỗi đội bóng chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại. Sở dĩ Tổng cục TDTT đưa ra quyết định này là do họ không nhận được bất cứ đề xuất nào từ VFF. Hơn thế nữa, việc giảm ngoại binh đã được coi là lộ trình cần phải thực hiện của bóng đá Việt Nam.

Điều đó có nghĩa, hai đội bóng Hà Nội T&T và V.Ninh Bình sẽ phải thanh lý hợp đồng với cầu thủ ngoại đã ký. Thiệt hại về chuyên môn thì không thể đong đếm. Cay đắng hơn, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, họ buộc lòng phải bồi hoàn số tiền lên đến cả tỷ đồng cho những bản hợp đồng vốn đã được VPF “bật đèn xanh”.

Lời giải nào cho bài toán khó

Bây giờ, bắt đội bóng chịu tổn thất về tài chính và chuyên môn cho sự hấp tấp của VPF là điều không thể chấp nhận. Lẽ ra khi đưa ra một ý tưởng mới, VPF phải có đủ những chứng lý, cơ sở khoa học để thuyết phục các cơ quan nhà nước ủng hộ mình. Thế nhưng, họ phản ứng một cách yếu ớt và phó mặc cho cơ quan cấp trên và hệ quả thì ai cũng biết, đội bóng phải nếm trải trái đắng.

Đáng nói hơn, khi chưa chắc chắn việc đề xuất sẽ nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, lẽ ra VPF phải có những cảnh báo cho đội bóng. Nhưng không, họ im lặng để rồi xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nhiều người nói rằng, nếu VPF sâu sát hơn trong việc yêu cầu VFF đưa ra quan điểm bằng những nghị quyết cụ thể thì sự cố đăng ký thừa ngoại binh đã không diễn ra.

Vấn đề được dư luận quan tâm lúc này là VPF sẽ xử lý sự cố như thế nào? Phải chăng, các đội bóng sẽ thanh lý hợp đồng với cầu thủ ngoại để nhận về mình phần thua thiệt tài chính. Theo những thông tin có được, lãnh đạo VPF đang cố gắng thuyết phục lãnh đạo VFF ủng hộ ý tưởng đặc cách cho hai đội bóng Hà Nội T&T và Ninh Bình. Thế nhưng, chẳng ai dám đảm bảo, khi có ý kiến ủng hộ của VFF, Tổng cục TDTT và Bộ VHTT&DL liệu có gật đầu với đề xuất  kể trên.