Vụ ám sát nhà khoa học Iran: Thỏa thuận hạt nhân càng thêm mong manh

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lúc hy vọng về thỏa thuận hạt nhân Iran ấm lên sau kết quả cuộc bầu cử Mỹ, cái chết của nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh, người được cho là đứng đầu chương trình hạt nhân của Tehran, đã khiến tình hình trở nên phức tạp.

Nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh tử vong sau cuộc phục kích vào xe.
Ông Fakhrizadeh tử vong sau khi chiếc xe chở ông bị phục kích hôm 27/11. Giới chức và phân tích phương Tây cho rằng, ông Fakhrizadeh đóng vai trò chủ chốt trong công trình nghiên cứu chế tạo phương tiện để lắp ráp đầu đạn hạt nhân phía sau vỏ bọc một chương trình làm giàu uranium phục vụ mục đích dân sinh. Ông Fakhrizadeh luôn được bảo vệ an ninh cẩn thận và hầu như chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng và nhà điều tra hạt nhân của Liên Hợp quốc cũng khó có thể tiếp cận. Do đó rất ít người bên ngoài Iran biết chắc diện mạo của nhân vật này. Theo bình luận viên của iNews, nếu Israel thực sự có trách nhiệm trong vụ tấn công như cáo buộc của Iran thì cũng khó có thể hành động mà không có sự chấp thuận ngầm từ Mỹ.
Đáng nói, vụ sát hại ông Fakhrizadeh diễn ra vào thời điểm nhạy cảm của nước Mỹ. Chính quyền của ông Trump đã bật đèn xanh cho quá trình chuyển giao quyền lực lại cho ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố là tổng thống đắc cử. Có nhiều hy vọng chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ hướng về các nỗ lực hòa giải quốc tế, trong đó có việc đưa nước Mỹ trở lại cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng việc nhà khoa học Fakhrizadeh bị sát hại đang khiến điều này không còn đơn giản.

Cựu giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan trên Twitter cảnh báo vụ Fakhrizadeh có thể tạo ra một vấn đề rộng lớn cho Trung Đông, vì hành động "tội ác và liều lĩnh cao" này đang có nguy cơ dẫn tới trả đũa chết người. Trong khi đó, bà Ellie Geranmayeh của Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu thì khẳng định "đối tượng phía sau vụ giết người này không phải cản trở chương trình hạt nhân Iran mà là tấn công vào hoạt động ngoại giao". Vụ ám sát lần này có thể khiến Iran nổi giận. Bàn đàm phán hạt nhân giữa Washington và Tehran sẽ trở nên khó thương thuyết, trừ khi Mỹ nhượng bộ thật đáng kể. Nếu tính kỹ hơn thì hiện Iran còn chưa trả thù vụ Mỹ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani của Iran tại Baghdad năm ngoái. Ngoài ra, CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích rằng chính quyền Iran có lý do để không tin rằng ông Biden không thể là sự đảm bảo cho tiến trình hạt nhân Iran vì lo ngại ông Trump hoặc một nhân vật tương tự ông Trump có thể trở lại vào năm 2024. Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 16/11 tiết lộ ông Trump đã yêu cầu cấp dưới trình bày những phương án tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng kế hoạch này bị đội ngũ cố vấn bác bỏ. Do đó, giới quan sát tin rằng, Washington thực sự đang theo đuổi chiến lược gây thiệt hại tối đa trong quan hệ với Iran, nhằm ngăn chính quyền tương lai của ông Joe Biden đảo ngược tình thế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần