Đáng chú ý tại phiên tòa này, các bị hại khi được phát biểu ý kiến đều cho rằng mình không bị Công ty Khải Thái lừa đảo như cáo trạng quy kết.
Không thừa nhận là bị hại
Phát biểu ý kiến tại tòa, nhiều bị hại cho biết rất bất bình với bản luận tội của VKS. Bởi, nếu nói Công ty Khải Thái lừa đảo thì phải có đơn nhưng họ chưa ai bị lừa ngày nào. Vì vậy, các bị hại này không thừa nhận mình bị lừa như cáo trạng đã quy kết.
Trong khi đó, bị hại Võ Trường Sơn lại đề nghị đại diện VKS trả lời cụ thể trong 724 bị hại, tại sao cơ quan CSĐT và VKS lại trả 1 tỷ đồng vật chứng cho một bị hại tên là Lê Thị Thu Hà. Bị hại Sơn cho rằng điều này là không công bằng.
Đồng thời, anh Sơn cũng đề nghị VKS trả lời câu hỏi tại sao trong cáo trạng lại tách vụ việc 18 trưởng phòng của Công ty Khải Thái thành một vụ án riêng. Theo anh Sơn, 18 trưởng phòng đó đều được hưởng ngoài lương ra là cơ chế của Công ty Khải Thái. “Đó là tiền mồ hôi của chúng tôi, vật chứng thu được rất ít, đó là trách nhiệm của cơ quan công tố. Điều đó tôi thấy rất nực cười…” - anh Sơn cho hay. Từ đó, anh Sơn nhận thấy rằng quyền lợi của những bị hại đang bị bỏ qua.
Tiếp đó, bị hại Nguyễn Thị Lộc cho biết, bản thân đã từng soạn thảo nhiều hợp đồng kinh tế cho các Bộ ký để thực hiện về đầu tư xây dựng cơ bản. Trong hợp đồng bao giờ cũng có câu khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết tại tòa. Tuy nhiên, bị hại này cho biết, giữa họ và Công ty Khải Thái chưa bao giờ xảy ra tranh chấp.
Cũng theo bị hại Lộc, CQĐT trước khi bắt bị cáo Saga, nếu Saga hoạt động sai thì phải thu hồi Giấy phép kinh doanh và thông báo rộng rãi để bị hại dừng đầu tư vốn, còn nếu Saga chấp hành chế độ thuế không đúng thì Saga sẽ phải trách nhiệm trước cơ quan thuế. Thế nhưng theo diễn biến xét xử thì tất cả những gì bị cho là vi phạm thì Công ty Khải Thái không vi phạm. “Đối với Saga, tôi thấy không ai không bênh vực vì đó là nhà đầu tư sòng phẳng. Vì vậy, 724 người bị hại sẽ làm đơn kiến nghị lên Chính phủ” - bị hại Lộc nói.
Còn theo bị hại Lê Mạnh Năm, cáo trạng rất dài nhưng phần dẫn đến luận tội rất mỏng. Theo bị hại Năm, trong cáo trạng có ý ghi rõ vì cơ quan điều tra không thu được phần mềm MT4 nên không đủ cơ sở kết luận việc kinh doanh vàng tài khoản có bất hợp pháp hay không khi chưa có kết luận chiếm đoạt nên kết luận đó không thuyết phục.
Giữ nguyên quan điểm truy tố
Trong một diễn biến khác, tại phiên tòa này, khi đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, theo tài liệu cơ quan điều tra thu thập được thì Công ty Khải Thái đăng ký 16 ngành nghề kinh doanh nhưng hoạt động không đúng như kinh doanh. Ngoài kinh doanh sàn vàng thì công ty không có hoạt động gì khác cũng như không có tài liệu nào chứng minh có hoạt động đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng văn phòng khang trang để lừa bịp nhà đầu tư thiếu hiểu biết. Ngoài ra, bị cáo Saga không đứng tên bất cứ hoạt động nào, giao dịch nào để trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì không phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, trong vụ án này, Saga được hỗ trợ tích cực từ các đối tượng đồng phạm. Tất cả các bị cáo đều có trình độ học thức. Các đối tượng đều tư vấn về các hoạt động ảo của công ty nhằm làm cho khách hàng tin tưởng, quảng cáo cho hình ảnh công ty, giúp gây niền tin.
Đối với việc Saga khai có đầu tư ở nước ngoài, VKS cho rằng, đã sinh sống, làm việc ở Việt Nam thì phải tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại. Đối với Công ty Fuxing (công ty mẹ của Công ty Khải Thái), Văn phòng Kinh tế Đài Bắc xác định không có chi nhánh nào đặt tại Cao Hùng và không có ai tên là Lưu Kiến Phúc nên lời khai của Saga không có căn cứ để xác nhận. Từ những nhận định trên, VKS giữ nguyên quan điểm về phần luận tội trước đó đối với các bị cáo.
Tuy nhiên, đối đáp lại quan điểm của đại diện VKS, luật sư Nguyễn Minh Anh cho rằng, VKS không căn cứ vào những tình tiết của vụ án cũng như lời khai của các bên liên quan tại phiên tòa. Đồng thời, VKS không hiểu quy định của pháp luật bởi bị cáo Saga là người Đài Loan và hoàn toàn có quyền kinh doanh tại Đài Loan mà không cần phải xin phép. Nếu có vi phạm thì là vi phạm quy định về chuyển tiền qua biên giới.
“Luật không cấm kinh doanh vàng trạng thái hoặc ngoại tệ. Trong trường hợp này họ chỉ thiếu giấy phép con mà thôi. Trong trường hợp họ không xin giấy phép con thì cơ quan nhà nước hướng dẫn họ xin, nếu không xin được thì tuyên hợp đồng vô hiệu và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Còn khi Saga không thực hiện thì mới xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo này…” - luật sư Minh Anh phân tích.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng cho rằng, VKS chưa làm rõ việc Công ty Khải Thái đầu tư bao nhiêu vào cổ phiếu, bất động sản; chưa làm rõ dòng tiền và ngay cả tội kinh doanh bất hợp pháp chưa làm rõ. Việc bắt khẩn cấp khi chưa có nhà đầu tư tố cáo Saga đã gây bất lợi cho các bị cáo và bị hại. Điều này đã khiến Saga không giải quyết được nghĩa vụ cho các nhà đầu tư.
Từ đó, luật sư Minh Anh tiếp tục đề nghị VKS làm rõ căn cứ vào đâu cho rằng Saga chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, bản thân các bị hại cho rằng phiên tòa gượng ép và mong muốn đối diện với Saga để khắc phục. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét việc đó.
Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Saga mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh này, VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Kiện Trung từ 18 - 20 năm tù, Nguyễn Mạnh Linh từ 16 - 18 năm tù, Đoàn Thị Luyến từ 14 - 16 năm tù, Tăng Hải Nam từ 14 - 16 năm, Đinh Thị Hồng Vinh từ 12 - 14 năm và Trịnh Hoàng Bình từ 3 - 4 năm tù. |