Vụ “Bị giam oan, tòa né bồi thường”: Triệu tập nhiều nhân chứng quan trọng

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại những phiên tòa trước đó, nhiều nhân chứng đã không được triệu tập. Nhưng ở phiên tòa phúc thẩm lần này, HĐXX đã triệu tập các nhân chứng quan trọng.

Sáng 10/3, TAND tỉnh Cà Mau mở lại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra năm 2015 tại TP Cà Mau, do có đơn kháng cáo kêu oan của 4 bị cáo: Đặng Hữu Thời (SN 1990), Nguyễn Hoài Nam (SN 1996), Lê Phước Trung (SN 1987) và Lâm Hải Long (SN 7/8/1999).
Trước đó, vào ngày 9/7/2020, phiên tòa phúc thẩm lần hai đã được mở, nhưng phải tạm dừng vì xuất hiện tình tiết rất quan trọng. Đó là cả 4 bị cáo đồng loạt nộp chứng cứ mới là 2 đoạn ghi âm buổi làm việc giữa kiểm sát viên (KSV) Ngô Kiên Định, điều tra viên (ĐTV) Quách Công Danh (thuộc Viện KSND và Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau) với anh Nguyễn Phương Nam (Người làm chứng - Ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
 4 thanh niên niên kêu oan (từ trái sang): Lâm Hải LongLê Phước TrungĐặng Hữu Thời và Nguyễn Hoài Nam.
Trong 2 đoạn ghi âm thể hiện KSV Ngô Kiên Định có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, hướng dẫn cho nhân chứng Nguyễn Phương Nam rời khỏi địa phương để không ra tòa làm chứng cho bị cáo có chứng cứ ngoại phạm; Đe dọa bắt nhân chứng Nguyễn Phương Nam nếu anh này không rời khỏi địa phương.
Do các bị cáo và người nhà cung cấp tình tiết mới, nên phiên tòa ngày 9/7/2020 được tạm hoãn để giám định các đoạn ghi âm. Cũng tại phiên tòa này, luật sư Trịnh Thanh Liệt (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) đã đề nghị triệu tập ĐTV Quách Công Danh và ĐTV Nguyễn Thuận Tùng, vì 2 ĐTV này lấy lời khai nhiều bị can trong thời gian trùng nhau. Đồng thời, cần triệu tập các nhân chứng là người chở Đặng Hữu Thời đi cấp cứu sau khi Thời bị chém ở huyện Cái Nước, anh Lâm Tấn Phong và Hà Gia Nguyên là 2 người cũng bị bắt và có lời khai giống nhau, trong khi 2 người này ở cách xa hiện trường 40km và 150km (sau đó cả 2 được thả).
Luật sư Trần Thị Ánh và luật sư Nguyễn Minh Châu (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị triệu tập ĐTV Cao Tùng Bá (Công an huyện Cái Nước). Vì sau khi Thời bị chém ở địa bàn huyện Cái Nước, ĐTV Bá có làm việc với Thời. Tại đây Thời đề nghị được giám định thương tích nhưng đến nay vẫn không được trả lời. Song song đó, HĐXX cần triệu tập nhiều nhân chứng khác đã làm việc với Công an huyện Cái Nước, Công an TP Cà Mau.
Theo nội dung vụ án, khuya 14/3/2015 trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra 2 vụ chém người. Vụ thứ nhất tại cống Nàng Âm (huyện Cái Nước), nạn nhân là anh Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng đang trên đường về nhà thì một nhóm người đuổi chém anh Thời bị thương nặng ở đầu,vai và tay. Gần thời điểm này, trước cổng khu đô thị Hoàng Tâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) cũng xảy ra một vụ chém người, bị hại là anh Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến.
Từ ngày 15/3/2015 đến 17/3/2015, lần lượt các thanh thiếu niên: Đặng Hữu Thời, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung, Lâm Hải Long, Nguyễn Anh Duy, Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp với lý do chém anh Toàn, Tiến, Khen.
Sau 9 ngày bị tạm giữ, anh Nguyên và anh Phong được trả tự do vì thời điểm xảy ra vụ việc, cả 2 anh… đang ngủ cách hiện trường đến 40km và 150km. Thế nhưng cả 2 anh Nguyên và Phong lại có lời khai “rõ từng chi tiết” và lại viết “tờ nhận tội” để từ đó cơ quan điều tra dựa vào lời khai của 2 người này kết tội các bị can nêu trên. Sau khi được trả tự do, anh Nguyên và Phong khẳng định được ĐTV cho đọc bản khai của những người khác nên sợ và phải viết “tờ nhận tội”.
 Nhiều nhân chứng quan trọng vắng mặt nên phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai tiếp tục hoãn đến ngày 30/3 mở lại.
Trong vụ án này, Long bị bắt khi mới 15 tuổi 7 tháng 8 ngày, nhưng cha mẹ em hoàn toàn không được thông báo để giám hộ. Trong khi cha mẹ Long không bị hạn chế hay bị tước bỏ quyền giám hộ. Thậm chí, trong khi ngày 26/3/2015, mới khởi tố bị can nhưng ngay từ 15/3/2015 (chủ nhật) đã có văn bản phân công người bào chữa.
Ngoài những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, trong quá trình điều tra vụ án, ĐTV Quách Công Danh đã dùng phép “phân thân” để đi và về quãng đường dài 150km từ TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đến TP Cần Thơ chỉ trong vòng 20 phút để gặp, làm việc và lấy lời khai của các bị can cũng như nạn nhân.
Vào tháng 7/2016, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần thứ nhất, tuyên phạt tù 5 bị cáo Đặng Hữu Thời, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung, Lâm Hải Long, Nguyễn Anh Duy phạm tội “Cố ý gây thương tích”, nên cả 5 thanh niên kháng cáo kêu oan.
Đến tháng 11/2016, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm lần thứ nhất, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần một của TAND TP Cà Mau để điều tra, xét xử lại vì có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhiều chứng cứ kết tội mâu thuẫn.
Vào ngày 1/8/2019, Viện KSND TP Cà Mau ban hành quyết định “Đình chỉ vụ án đối với bị can” Nguyễn Anh Duy vì không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với bị can này. Tuy nhiên vẫn tiếp tục truy tố Thời, Long, Nam và Trung về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cuối tháng 11/2019, TAND TP Cà Mau xét xử sơ thẩm lần thứ hai, vẫn tuyên án đối với Thời, Nam, Trung, Long với mức án nặng hơn so với án sơ thẩm lần một, nên cả 4 bị cáo kháng cáo kêu oan vì cho rằng bị đánh đập, bị bức cung nên phải nhận tội, đặc biệt có người làm chứng việc ngoại phạm.
Riêng trường hợp anh Nguyễn Anh Duy, sau khi được giải oan đã yêu cầu TAND TP Cà Mau bồi thường hơn 1 tỷ đồng cho 824 ngày bị tạm giữ, tạm giam và 775 ngày bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi được đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án, nhưng tòa án chỉ đồng ý bồi thường hơn 443 triệu đồng. Do đó, anh Duy đã khởi kiện TAND TP Cà Mau ra TAND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) nơi anh cư ngụ.
Còn tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm nay 10/3, sau hai lần điểm danh, HĐXX nhận thấy nhiều nhân chứng quan trọng vắng mặt nên hoãn, dời đến ngày 30/3 mở lại phiên tòa.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần