Chiều 5/7, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp cho biết: Bộ ước tính có khoảng 263.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Trong đó, khoảng 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp.
Người dân Hà Tĩnh mong chờ hỗ trợ từ nhà nước để tiếp tục ra khơi |
Ưu tiên hỗ trợ vốn cho ngư dân Dự thảo “Quyết định về một số chính sách hỗ trợ người dân, khôi phục, phát triển sản xuất tại 4 tỉnh miền Trung” đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Theo dự thảo, Chính phủ sẽ có các chính sách về khôi phục, tái tạo nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển, như: Nhà nước đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách trung ương để trồng lại san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, làm sạch môi trường. Ước tính mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng/năm và kéo dài trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2017. Chính sách đóng mới tàu cá sẽ ưu tiên cho chủ tàu cá không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90 CV, được vay vốn tại các ngân hàng để đóng mới tàu cá từ 90 CV đến dưới 400 CV phục vụ khai thác hải sản, làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Hạn mức vay bằng 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả lãi 1%, còn lại ngân sách nhà nước bù 6%. Thời hạn vay 15 năm. Cá nhân, hộ gia đình tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường được vay 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Chiều 5/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết dự thảo sẽ còn thay đổi tùy theo tình hình thực tế và ý kiến từ các bộ ngành. Bộ đang nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo để trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định ban hành. Chuyển đổi nghề theo nguyện vọng Ngoài việc hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp thì giải quyết việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong đề án hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện đã có những chính sách ưu đãi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với hộ nghèo, những người bị thu hồi đất theo quy định của Chính phủ. Trước đây, không phải tất cả ngư dân 4 tỉnh miền Trung nêu trên đều thuộc đối tượng nghèo nhưng bây giờ bị mất sinh kế nên họ cần được hỗ trợ. Bộ cam kết sẽ hỗ trợ ngư dân tham gia những chương trình XKLĐ với chi phí thấp, do bộ trực tiếp triển khai như: Đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mới được nối lại hồi tháng 5. Bộ sẽ ưu tiên chỉ tiêu dành cho những huyện dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Với chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) với chi phí rất thấp, mức lương làm việc tại Nhật Bản từ 800-1.000USD/người/tháng, cũng sẽ được bộ xem xét ưu tiên cho các đối tượng này. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ xem xét để hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng tham gia chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và CHLB Đức, các chương trình đi làm thuyền viên tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan; nuôi trồng thủy sản tại một số quốc gia... “Sinh kế của người dân là quan trọng nhất. Trong quá trình làm việc, Bộ LĐ-TB-XH cũng như các địa phương đã thống nhất cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm và XKLĐ” - ông Diệp nhấn mạnh. Đối với người dân có nhu cầu chuyển đổi nghề, bộ sẽ tham vấn nguyện vọng của người lao động và khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường. Trách nhiệm của Sở LĐ-TB-XH địa phương cũng phải nghiên cứu các phương án đào tạo việc làm phù hợp với điều kiện, người lao động tại đó. Chương trình quốc gia về đào tạo, việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động sẽ ưu tiên hỗ trợ cho người lao động tại các địa phương này. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết đề án hỗ trợ người dân miền Trung do Bộ LĐ-TB-XH triển khai không phải chỉ kéo dài trong 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Chừng nào môi trường biển trở lại trong sạch, chừng nào người dân sống được với nguồn lợi từ biển, thì lúc đó đề án hỗ trợ mới có thể được coi là kết thúc. Như vậy, đề án sẽ hướng tới mục tiêu hỗ trợ sinh kế cả trước mắt lẫn lâu dài cho người dân miền Trung một cách hài hòa.
Ngư dân phải sống với biển Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định đã là ngư dân thì phải sống được nhờ biển, sinh kế từ biển. Như vậy, việc chuyển đổi ngành nghề hoàn toàn cho tất cả những người dân bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm. “Có thể trước mắt, trong một vài năm, người dân đi làm công việc tương tự tại vùng biển khác, đến khi nào vùng biển miền Trung trở lại bình thường thì họ quay trở lại sống bám biển trên vùng biển của mình” - ông Diệp bày tỏ. |