Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ lở đất tại Thâm Quyến: Cái giá quá đắt của đô thị hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm ngày sau vụ lở đất kinh hoàng tại Thâm Quyến (Trung Quốc), chiến dịch cứu hộ, cứu nạn và tìm kiếm người mất tích chưa có nhiều tiến triển khiến người dân khu vực lo lắng và phẫn nộ.

Vụ việc một lần nữa cho thấy, cái giá mà Trung Quốc phải trả cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng là quá lớn.
Chiến dịch cứu nạn vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Chiến dịch cứu nạn vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Vụ lở đất xảy ra lúc 11h40 trưa 20/12 (giờ địa phương) tại Khu công nghiệp Liuxi, phía Tây Bắc TP Thâm Quyến khiến 32 công trình xây dựng bị ảnh hưởng. Ít nhất 76 người bị chôn vùi dưới khu vực 380.000m2 đất đá, trong đó đã xác định được danh tính của 73 người. Hiện, mới chỉ có 1 người được cứu sống, 4 thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát, 2 trong số 17 người bị thương mới được xuất viện. 

Đến ngày 25/12, đã có hơn 5.000 người tham gia chiến dịch cứu nạn, hơn 700 chiếc máy xúc đã được huy động để đào bới và dọn dẹp bùn đất.

Phẫn nộ và ám ảnh

Phải rất khó khăn mới vượt qua được hơn 1km đường bị nêm chặt bởi các phương tiện cứu nạn, người dân tại khu vực từ bất ngờ đã chuyển sang tức giận khi chiến dịch cứu hộ bị đình chỉ từ 23 giờ hôm 21/12 đến 4 giờ sáng ngày 22/12 – giai đoạn vốn được nhận định là “thời điểm vàng” để tìm kiếm những người sống sót. Trước đó, đại diện cơ quan chức năng Thâm Quyến đã cam kết duy trì nỗ lực tìm người sống sót trong suốt đêm 21/12.
Hơn 700 phương tiện tham gia chiến dịch cứu hộ, cứu nạn.
Hơn 700 phương tiện tham gia chiến dịch cứu hộ, cứu nạn.
Giữa lúc khi người thân của nạn nhân và cộng đồng mạng xã hội bày tỏ phẫn nộ trước sự chậm trễ của chiến dịch cứu nạn, đại diện của lực lượng cứu hộ đã phải lên tiếng, mong dư luận chia sẻ với những gì mà họ đang phải đối mặt. Nỗ lực tìm kiếm chỉ được nối lại sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc rút toàn bộ khí gas trong hệ thống đường ống tại hiện trường, vô hiệu hóa nguy cơ xảy ra một thảm họa thứ cấp với những người tham gia cứu hộ.
Hơn 5.000 người vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.
Hơn 5.000 người vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.
Trong số hơn 5.000 người tham gia chiến dịch cứu nạn, có khoảng 3.000 binh sĩ, hầu hết là lính trẻ - những người để chạy đua với thời gian đã dùng tay không để đào bới với hy vọng tìm kiếm người sống sót. Nhưng khi thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi hiện trường, nhiều người đã bị ám ảnh và phải đối mặt với một cú sốc tâm lý mà đáng ra họ không phải chịu.

Cái giá quá đắt

Nỗi ám ảnh của các binh sĩ hay sự phẫn nộ của dư luận sau bi kịch tại Thâm Quyến một lần nữa cho thấy, người dân Trung Quốc đang phải trả cái giá quá đắt cho quá trình đô thị hóa nhanh đến chóng mặt. Theo thông tin sơ bộ, trong 2 năm qua, ngọn đồi này là nơi đổ đất phế thải xây dựng. Không chỉ nằm ở khu vực có địa thế dốc, nơi đổ đất phế thải còn là mối nguy tiềm ẩn khi cao ngang với một tòa nhà 20 tầng.

Mặc dù khu vực này đã được lệnh đóng cửa vài tháng trước đây và yêu cầu công ty chủ quản phải tiến hành các biện pháp để đảm bảo an toàn, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động trái phép. Công nhân tại khu vực cho biết, số xe tải ra vào khu vực ngày càng nhiều, nhất là trong mùa mưa khiến nguy cơ sụt lở ngày càng cao và nỗi lo sợ ảnh người dân khu vực này suốt 2 năm qua cuối cùng cũng xảy ra như một hậu quả trực tiếp từ sự vô cảm của những nhà quản lý.

Ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế quá nhanh và quá nóng khiến nhiều địa phương Trung Quốc để ngỏ những lỗ hổng về an toàn lao động và gây thiệt hại cho môi trường. Bi kịch tại Thâm Quyến một lần nữa đặt dấu hỏi về các quy định an toàn tại các khu công nghiệp ở Trung Quốc.
Vụ nổ tại Thiên Tân hồi tháng 8 khiến hơn 170 người thiệt mạng.
Vụ nổ tại Thiên Tân hồi tháng 8 khiến hơn 170 người thiệt mạng.
Trước đó, ít nhất đã có 2 vụ lở đất xảy ra tại Chiết Giang (tháng 11) và Thiểm Tây (tháng 8) khiến nhiều người thương vong. Lở đất là thảm họa lớn thứ tư tại Trung Quốc trong vòng một năm, sau vụ giẫm đạp đêm giao thừa ở Thượng Hải, vụ chìm tàu du lịch trên sông Dương Tử, vụ nổ khiến hơn 170 người thiệt mạng tại một kho hóa chất ở Thiên Tân. 

Thách thức lớn
Qua quá trình điều tra, lỗi của con người là nguyên nhân gây ra 3 thảm kịch trước vụ lở đất. Theo đó, bất chấp các hình phạt nghiêm khắc, sự thờ ơ, buông lỏng giám sát và quản lý của các cơ quan, cá nhân có liên quan đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.  

Thảm họa lần này trớ trêu thay lại diễn ra đúng lúc Bí thư Quảng Đông Mã Hưng Thụy – ngôi sao đang lên của chính trường đang tham dự hội nghị về đô thị tại Bắc Kinh nhằm tìm kiếm cách tiếp cận tốt hơn cho chiến lược phát triển các thành phố lớn. Đây có thể coi là thách thức lớn đầu tiên mà ông Mã Hưng Thụy, nhà khoa học nổi tiếng từng đứng đầu chương trình đưa tàu thăm dò mặt trăng của Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu năm nay.

Trong lúc lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót nhưng việc tìm thấy người sống sót đầu tiên hôm 23/12 vẫn không làm vơi đi nỗi bất an của thân nhân người mất tích. Và vụ việc này, một lần nữa cho thấy tiến trình đô thị hóa tại Trung Quốc rất cần sự tương thích giữa phần cứng của cơ sở hạ tầng với phần mềm quản trị.