Trên thực tế, các đối tượng sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng giả đang có chiều hướng gia tăng tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Chúng hoạt động theo ổ nhóm, băng đảng xuyên biên giới nên rất khó truy ra các thủ phạm chính. Đối tượng mà các băng đảng này lợi dụng phần đông là những người trẻ tuổi, nhà nghèo, hiểu biết pháp luật kém và ít có cơ hội ra nước ngoài rồi dụ dỗ, mồi chài, đưa họ vào con đường phạm tội. Theo dự kiến, ngày 23/11, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm hình sự, xét xử bị cáo Koay Keng Chen (22 tuổi, quốc tịch Malaysia) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 24/4/2011, Koay Keng Chen nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất với mục đích dùng thẻ thanh toán quốc tế cùng hộ chiếu giả mua hàng có giá trị tại Việt Nam rồi bán lấy tiền ăn tiêu. Để thực hiện hành vi phạm tội, Koay Keng Chen mang theo 2 quyển hộ chiếu, một quyển hộ chiếu Trung Quốc lấy tên Ho Lan Fit, dán ảnh Koay Keng Chen, một quyển hộ chiếu Malaysia mang tên Koay Kang Chen cùng 14 thẻ thanh toán quốc tế. Ba ngày sau, Koay Keng Chen từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội, dùng hộ chiếu mang tên Ho Lan Fit thuê phòng 306 tại khách sạn Medallion, 11 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồi 16h ngày 6/5/2011, Koay Keng Chen sử dụng thẻ Mastercard có số thẻ là 5232-5560-0501-2684, phôi làm thẻ này in tên ngân hàng phát hành là HSBC, nhưng thực tế số thẻ này thuộc ngân hàng phát hành là Deutschor Sparkassen und Groverband Munich tại Đức để thanh toán số tiền 35 triệu đồng khi mua 2 chiếc điện thoại di động Iphone 4 tại cửa hàng bán điện thoại ở 167 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Tiếp đó, hồi 10 ngày 7/5/2011, Koay Keng Chen sử dụng thẻ visa có số thẻ 4579-0905-0272-4246, phôi để làm thẻ này in tên ngân hàng phát hành là Citybank, nhưng thực tế, số thẻ này thuộc ngân hàng phát hành Mashreqbank tại Các tiểu vương quốc ả Rập thống nhất (là thẻ thanh toán tín dụng giả) để thanh toán thành công cho giao dịch với số tiền thanh toán lần lượt là 50,27 triệu đồng và 34,98 triệu đồng khi mua 5 chiếc điện thoại di động Iphon 4 cũng tại cửa hàng bán điện thoại 167 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Như vậy, tổng trị giá tài sản mà Koay Keng Chen chiếm đoạt là hơn 120 triệu đồng. Trong vụ án trên, Koay Keng Chen bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139, khoản 2, điểm e, Bộ luật Hình sự (có khung hình phạt từ 2-7 năm tù). Vụ án mà Koay Keng Chen là chủ mưu không phải là cá biệt. Tháng 9-2010, TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã xử sơ thẩm một vụ án tương tự với bị cáo là Tan Shurendar (SN 1972, quốc tịch Malaysia), bị phạt 4 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, ngày 13-10-2009, Tan Shurendar đến một cửa hàng vàng mua một sợi dây chuyền vàng giá hơn 1.300 USD, thanh toán bằng thẻ tín dụng của ngân hàng HSBC, với tên chủ thẻ là một người mang quốc tịch Singapore. Sau khi mang dây chuyền ra cho một người bạn đứng đợi ở ngoài, Tan tiếp tục quay vào cửa hàng mua thêm sợi lắc trị giá 1.100 USD. Nghi thẻ giả, nhân viên bán hàng đã báo bảo vệ phối hợp bắt giữ Tan giao Công an xử lý. Công an phát hiện trong chiếc túi màu đen của Tan có tới 9 thẻ ngân hàng gồm 5 thẻ của VIB, 2 của HSBC, 1 của City Bank, 1 của Ezlink cùng hộ chiếu mang tên Kaisnan Gopal. Hai vụ án lừa đảo trên cho thấy bọn tội phạm quốc tế hoạt động với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, cụ thể, chúng đã làm giả thẻ thanh toán từ nước ngoài rồi tuồn vào Việt Nam sử dụng. Rất may cả hai vụ án đều được phát hiện kịp thời, đối tượng gây án bị bắt giữ và chưa gây thiệt hại về tài sản. Song, các doanh nghiệp mua bán cần hết sức cẩn trọng khi giao dịch với khách hàng qua thẻ. Để không bị kẻ xấu lừa gạt, nhân viên thanh toán cần kiên trì kiểm tra mã số từng loại thẻ hoặc xác minh tại các ngân hàng phát hành nếu cảm thấy điều gì đó nghi ngờ. Mặt khác, cũng không nên đặt quá nhiều niềm tin vào các máy quẹt thẻ mà các doanh nghiệp đã và đang sử dụng. Bởi xét cho cùng, máy móc nhiều lúc cũng bị nhầm lẫn và những thiệt hại về tài sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra