Nợ gốc 3.436 tỷ hay 9.437 tỷ? Trên hồ sơ pháp lý tại Ngân hàng Xây dựng (CB), nhóm Phương Trang đang có nợ gốc hơn 9.437 tỷ đồng (phát sinh từ thời Ngân hàng Đại Tín - Trust Bank), chưa kể khoản lãi phát sinh và đã quá hạn từ năm 2011 tổng cộng lên đến 17.000 tỷ đồng. Thế nhưng Phương Trang nói chỉ nợ hơn 3.436 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Trong thông cáo giải trình thông tin nợ vay, Công ty CP đầu tư Phương Trang cho rằng thông tin Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh như công bố của CB, nợ gần 10.000 tỷ đồng là sai sự thật, trên thực tế nhóm công ty này chỉ nợ CB hơn 3.436 tỷ đồng. “Con số này đã được kiểm tra các dòng tiền giải ngân có sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước, và cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tại Ngân hàng CB”, thông cáo của CTCP Đầu tư Phương Trang viết. Cụ thể, tại biên bản đối chiếu nợ vay vào ngày 18/12/2014, thực hiện theo chỉ đạo của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, nhóm Công ty Phương Trang chỉ nhận số tiền nợ hơn 3.436 tỷ đồng của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu của Công ty CP Đầu tư Phương Trang. Trong báo cáo thực trạng nợ của nhóm Phương Trang và một nhóm còn lại tại CB vào tháng 3/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng kết luận rằng trong số 9.437 tỷ đồng dư nợ gốc tại CB, nhóm Phương Trang chỉ nhận được hơn 3.436 tỷ đồng, một nhóm còn lại nhận và sử dụng hơn 4.944 tỷ đồng. “Trong hơn 3.436 tỷ đồng nợ tại CB của nhóm Phương Trang, phía Công ty CP Đầu tư Phương Trang chỉ đang thực nợ 36 tỷ đồng, chứ không phải Công ty xe Phương Trang nợ hơn 3.400 tỷ đồng như phía CB công bố trước đó” - ông Phạm Đăng Quan - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang cho biết. Không những thế, tài sản mà Phương Trang thế chấp ở NH cũng là con số hai bên đang tranh cãi. Nhóm Công ty Phương Trang khẳng định thế chấp là tài sản BĐS hợp pháp do chính Trust Bank nay là CB Bank định giá tại thời điểm cho vay mà NH đang cầm giữ có giá trị lên tới 14.500 tỉ đồng. Nhưng theo phía CB Bank, số tài sản này được định giá trước khi nhà băng này chuyển đổi thành 100% vốn Nhà nước chỉ tầm khoảng 7.000 tỷ đồng. Ai đúng, ai sai? Ông Phạm Đăng Quan, cho biết, ngay từ năm 2012, nhiều lần DN đưa ra giải pháp hoán đổi tài sản bằng sổ tiết kiệm để rút số tài sản thế chấp BĐS được định giá 14.500 tỷ đồng này ra nhưng không được NH phản hồi. Còn phía lãnh đạo CBBank, ông Đỗ Tất Khá - Thành viên HĐTV kiêm Phó Tổng giám đốc chuyên trách công tác xử lý nợ xấu CBBank thông tin tới báo chí cho biết “do nhóm Công ty Phương Trang chỉ nhận nợ hơn 3.436 tỷ đồng nên CB đã không đồng ý với phương án trả tiền mặt để lấy lại các tài sản đã thế chấp của nhóm công ty này”. Và theo NH Xây dựng, trong 5 năm qua Phương Trang chỉ mới thanh toán chưa tới 0,34% nợ gốc (khoảng 30 tỷ đồng), còn các khoản lãi gần như không trả. Vì vậy, NH buộc phải khởi kiện để xử lý nợ. “Bước đầu là khởi kiện 10 hồ sơ vay lớn nhất với giá trị 3.000 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB”, lãnh đạo CBBank cho biết. Vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm, dự kiến vào ngày 14/6, Phương Trang và CBBank sẽ có buổi làm việc để giải quyết những khúc mắc giữa hai bên. Tuy vậy vụ việc sẽ còn phức tạp. Lý do, theo một chuyên gia tài chính NH, thực sự theo con số mà CBBank đưa ra, nợ gốc 9.437 tỷ đồng trong khi tài sản thế chấp định giá chưa bằng con số nợ gốc (chỉ khoảng 7.000 tỷ) đồng là không hợp lý. “Theo quy định số tiền cho vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản bảo lãnh đã được xác định và phải ghi trên hợp đồng”, chuyên gia này cho biết. Thứ hai, theo quy định của NHNN về thế chấp cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn NH, thì tài sản thế chấp là việc bên vay vốn (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản là BĐS sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm nợ gốc, lãi và tiền phạt lãi quá hạn) đối với bên cho vay (gọi là bên nhận thế chấp). Như vậy, một tài sản được giải chấp khi nó đã chấm dứt nghĩa vụ đảm bảo cho khoản nợ. Trong trường hợp này thì số tài sản thế chấp sẽ là tài sản đảm bảo của cả nhóm Phương Trang (bao gồm Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh ) chứ không riêng công ty nào, và do đó chừng nào chưa giải quyết, làm rõ được khoản nợ cả gói thì chưa thể giải chấp được khối BĐS kia như mong muốn của Công ty CP Đầu tư Phương Trang.