Vụ nữ sinh lớp 9 bị 5 bạn đánh hội đồng tại Hưng Yên: Khoảng trống trong dạy kỹ năng sống cho học sinh

Thủy Trúc - Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 học sinh nữ đánh hội đồng em N.T.H.Y. học sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên, đã bị đình chỉ học tập; hiệu trưởng cũng bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày. Dư luận đặt ra vấn đề nhà trường và giáo viên chủ nhiệm chưa sát sao học sinh và vẫn còn khoảng trống trong dạy kỹ năng sống.

 Phó Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam Hoàng Tú Anh ân cần thăm hỏi, động viên nữ sinh H.Y và gia đình em. Ảnh: Lưu Trinh

Bạo lực học đường ngày càng trẻ hóa
Mấy ngày qua dư luận xã hội hết sức phẫn nộ khi clip nữ sinh N.T.H.Y. trường THCS Phù Ủng bị 5 nữ sinh đạp, đánh, đá, tát… được lan truyền trên mạng xã hội. Trong clip, em H.Y. bị lột sạch quần áo trong sự reo hò của bạn bè. Sự việc này dẫn đến nữ sinh H.Y. bị hoảng loạn tinh thần, đã được đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hưng Yên điều trị. Trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Ty - Trưởng phòng GD&ĐT Ân Thi cho biết, hiệu trưởng nhà trường bị tạm đình chỉ 15 ngày, giáo viên chủ nhiệm lớp em H.Y. sẽ bị điều chuyển do không nắm bắt và can ngăn được vụ việc.
Sáng 31/3, khi nhận được thông tin báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về làm việc với tỉnh Hưng Yên về vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng dã man, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc.
5 học sinh tham gia đánh hội đồng đã bị đình chỉ học để nhà trường, cơ quan chức năng điều tra và làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc. Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho biết, đây là sự việc hết sức gây sốc cho dư luận bởi hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, thân thể của bạn học.

Nhiều năm làm Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức và đang quản lý hệ thống trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, ông Nguyễn Quốc Bình nhận định, bạo lực học đường ngày càng trẻ hóa và dã man hơn và xảy ra ở những lớp học cấp thấp như THCS, thậm chí tiểu học. Không chỉ một học sinh mà nhiều em cùng tham gia đánh bạn. Điều hết sức quan ngại, những học sinh chứng kiến không can ngăn mà hưởng ứng, quay clip tung lên mạng coi như trò chơi. Việc này càng khiến những học sinh đánh bạn muốn thể hiện mình và có hành động tàn bạo hơn.
 Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra vụ việc

Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở đâu?

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra dẫn đến vụ việc bạo lực học đường ở trường THCS Phù Ủng. Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, nội dung giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường hết sức rời rạc, chưa thành hệ thống và không cập nhật. Các trường nên tăng cường giáo dục kỹ năng phòng ngừa, lên tiếng cho học sinh; cùng với đó là trang bị xử lý những vấn đề xã hội đang nổi. Học sinh cũng cần được khuyến khích sử dụng dịch vụ Tổng đài quốc gia trẻ em 111 để được tư vấn, hướng dẫn cách tháo gỡ có lợi nhất.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT Bùi Văn Linh cho biết, Vụ đã liên hệ với Sở GD&ĐT Hưng Yên yêu cầu kiểm tra, xác minh và báo cáo cụ thể về Bộ trước ngày 2/4/2019. Bên cạnh việc chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan, Sở GD&ĐT Hưng Yên cần tổ chức thăm hỏi, động viên ổn định tinh thần của học sinh. Đồng thời, Sở phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hỗ trợ nạn nhân; với công an để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xung quanh việc nữ sinh H.Y. bị nhóm bạn đánh hội đồng, theo các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng - người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, sau đó đến giáo viên chủ nhiệm. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: Giáo viên chủ nhiệm phải là niềm tin, chỗ dựa cho học sinh trong lớp. Nhưng ở vụ việc này, người trực tiếp quản lý lớp nhưng không phát huy được vai trò giám sát tư tưởng học sinh. Đáng nói hơn, bệnh thành tích đang ngày càng trầm kha, bởi sau khi biết sự việc nữ sinh H.Y. bị đánh hội đồng, giáo viên chủ nhiệm lại yêu cầu học sinh xóa clip và không cho ai biết, thay vì tìm hiểu vì sao một học trò hiền lành, nhút nhát lại bị 5 bạn cùng giới đánh dã man đến vậy. “Công tác giáo dục chưa chạm đến lòng tự trọng, tình thương bạn bè trong các em học sinh” - TS Tùng Lâm bộc bạch.

Nhiều ý kiến đề nghị ngành giáo dục phải đào tạo ra những giáo viên trung thực để dạy thật, học thật và thi thật. Và, vấn đề này phải được đưa vào Luật Giáo dục để trở thành quy định pháp quy.
Kiến nghị cách chức toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường

Sáng 31/3, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng kiến nghị xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi ủy, Tổng phụ trách, kỷ luật Hội đồng Sư phạm, cô giáo chủ nhiệm trường THCS Phù Ủng. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là vụ việc nghiêm trọng, đau lòng, vượt quá bạo lực học đường. Trong vụ việc này, Bộ trưởng nhận định, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động để nắm bắt tình hình. Lãnh đạo nhà trường buông lỏng quản lý, đến khi xảy ra sự việc không xử lý kịp thời. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng kiểm điểm làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, sớm ổn định tình hình, để các thầy cô chuyên tâm dạy dỗ, chăm lo cho các học sinh. Đề nghị các phụ huynh nghiêm túc, không bao che, phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.