Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu: Nghiên cứu lấy nước từ Sông Đà vào thẳng nhà máy

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) sử dụng hồ Đầm Bài làm nơi trữ nước, sản xuất nước sạch, song để đảm bảo an toàn nguồn nước, tỉnh Hòa Bình đang nghiên cứu phương án dẫn nước từ Sông Đà vào thẳng nhà máy. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đại diện tỉnh Hòa Bình đưa ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 31/10.

Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà sẽ ngừng lấy nước từ hồ Đầm Bài. Ảnh: Công Trình
Chất lượng nước hồ Đầm Bài đã xuống cấp
Ông Nguyễn Trần Anh – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, hồ Đầm Bài được xây dựng từ năm 1994 với mục tiêu là cung cấp nước tưới tiêu cho 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Sau khi Nhà máy nước Sông Đà xây dựng vào 2005, đơn vị chức năng đã kết hợp cung cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước thông qua hồ Đầm Bài. Song, cùng với thời gian, việc kiểm soát chất lượng nước tại hồ gặp rất nhiều khó khăn do nhà máy thường xuyên phải dẫn nước Sông Đà vào để đảm bảo mực nước phục vụ việc sản xuất.
Nước là một loại thực phẩm ảnh hưởng tất cả mọi người, không thay thế được. Trước đây, theo quy định tại các Nghị định 130/2013/NĐ-CP, đây là dịch vụ công, bây giờ thành có điều kiện kinh doanh, song vấn đề này cần xem xét lại. Thêm vào đó, việc cổ phần hóa là chủ trương đúng, giúp Nhà nước giảm được vốn đầu tư, minh bạch hóa nhưng đối với ngành cấp nước thì có hạn chế, vì tài sản thuộc về DN, mục tiêu an sinh an toàn xã hội xếp sau lợi nhuận. Ngoài ra, hiện nay, văn bản quy định về cấp nước mới ở cấp Nghị định, chưa thành luật nên công tác đảm bảo an ninh, toàn nguồn nước và trách nhiệm của các bên có liên quan rất khó khăn. Do đó, cần đưa thành luật để có khung pháp lý, vận hành quản lý tốt hơn.
Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Trần Anh Tuấn
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước hồ Đầm Bài xuống cấp do Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình có độ dốc lớn, khi trời mưa nước đều dồn xuống đó, nước sinh hoạt, nước thải đều bị chảy xuống theo độ dốc, chất lượng đầu vào kém đòi hỏi tăng chi phí xử lý. Ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam nêu vấn đề, đề đảm bảo an ninh nguồn nước có 3 khâu phải được kiểm soát chặt chẽ. Thứ nhất là đảm bảo an ninh nguồn nước thô để đưa vào sản xuất. Hai là đảm bảo an ninh nguồn nước toàn bộ quá trình sản xuất. Ba là đảm bảo an ninh cho quá trình nước từ nhà máy đến người dân.
"Trong đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước thô đưa vào sản xuất phải có quy hoạch vùng sử dụng nước thô an toàn để cấp cho nhà máy. Nguồn nước đang được chúng ta sử dụng rất nhiều mục đích, một dòng sông vừa dùng để khai thác nước sinh hoạt, vừa cho phép các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ sự cố như vận chuyển hàng hóa, kể cả hàng hóa nguy hiểm, cơ sở kinh doanh xăng dầu dưới sông, các cảng thủy nội địa, các cơ sở chế biến, lưu chứa sử dụng kinh doanh xăng dầu hóa chất gần khu vực bờ sông… tất cả những cái đó tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Sơn nhìn nhận.
Cần biện pháp dài hơi
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, ông Nguyễn Trần Anh – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, trước mắt, có hai phương án được tỉnh Hòa Bình đề ra để đảm bảo an toàn nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà. Cụ thể, tỉnh Hòa Bình đang xem xét sử dụng nguồn nước dưới lòng đất hoặc dẫn thẳng nước Sông Đà vào nhà máy. Tuy nhiên, phương án sử dụng nguồn nước dưới lòng đất không thể đảm bảo được vệ sinh. Do đó, phương án dẫn thẳng nước Sông Đà vào nhà máy được ưu tiên hơn. Bởi, khi dẫn thẳng nước Sông Đà vào nhà máy chất lượng nước thô sẽ đảm bảo hơn lấy từ hồ Đầm Bài.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, đối với sự cố nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Sông Đà nhiễm dầu, sau khi làm việc, Bộ Xây dựng đã yêu cầu công ty trước mắt phải khắc phục, cô lập vùng ô nhiễm, làm sạch đất, cỏ, các khu vực nguồn thải từ kênh mương dẫn vào. Đồng thời, súc xả nhà máy, dừng cung cấp nước, mạng lưới truyền dẫn phân phối cũng phải dừng, súc xả toàn bộ… Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị Viwasupco phải phối hợp với chính quyền bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước như lắp đặt camera, phát hiện sự cố phải báo chính quyền…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần