Vụ tiêu cực thi cử tại Sơn La: Sử dụng thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 chiều 1/8, phóng viên đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhận trách nhiệm về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, chúng tôi được biết vụ việc ở Sơn La rất khó trả lại điểm thi gốc cho các thí sinh để bảo đảm công bằng trong xét tuyển đại học. Vậy Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an có hướng xử lý thế nào? Trong trường hợp chúng ta không thể phục hồi điểm thi gốc thì quan điểm của Bộ GD&ĐT sẽ xử lý như thế nào?
 Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ . Ảnh: Báo Tổ quốc
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu 63 tỉnh, thành phố tự rà soát và nhiều tỉnh báo cáo về Bộ không có gì bất thường nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vẫn có hiện tượng không bình thường, có dư luận về việc gian lận chỗ này, chỗ kia. Vậy tới đây còn có những địa phương có dấu hiệu bất thường thì hướng xử lý của Bộ GD&ĐT như thế nào?
Ngoài những đối tượng đã bị xử lý hình sự thì với chức năng là Bộ quản lý ngành, Bộ sẽ xử lý như thế nào đối với các Sở GD&ĐT đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi vừa qua?
Nếu năm tới kỳ thi THPT quốc gia vẫn tổ chức như năm nay thì Bộ GD&ĐT có những giải pháp chủ yếu, quyết liệt như thế nào để khắc phục tình trạng gian lận thi cử, bảo đảm thực chất, khách quan?
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, về vụ việc gian lận ở tỉnh Sơn La, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục hồi điểm gốc. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an để có phương án xử lý phù hợp, bảo đảm công bằng cho các thí sinh.
Về việc chấm thẩm định lại tất cả các địa phương, và kết quả chấm lần này được coi là kết quả cuối cùng theo như các địa phương đã báo cáo. Nếu các địa phương phát hiện ra sai phạm thì Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương làm việc với cơ quan Công an địa phương trực tiếp xử lý theo đúng quy định, bảo đảm công bằng cho các thí sinh, không có vùng cấm, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp sai phạm.
Theo Thứ trưởng, về xử lý các Sở GD&ĐT thì theo phân cấp quản lý, các Sở GD&ĐT thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, những cá nhân sai phạm sẽ do lãnh đạo các tỉnh, thành phố xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức.
Thứ trưởng cho biết, về hướng khắc phục trong kỳ thi năm tới gồm có 4 nội dung đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo đó Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ quy trình, các khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện cho phù hợp; nâng cao nghiệp vụ thi đồng thời nâng cao năng lực, đạo đức của các bộ làm nhiệm vụ tại kỳ thi, nhấn mạnh sự trung thực, đạo đức của những cán bộ làm nhiệm vụ trong kỳ thi; hoàn thiện phần mềm chấm thi để những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó có thể thực hiện; phương thức tổ chức chấm đối với bài thi trắc nghiệm có thể hướng tới chấm tập trung, theo cụm.